Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, là biểu tượng cho giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của dân tộc, và là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.
Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thảo luận chính thức tại hội trường Quốc hội. Ông đánh giá thế nào về các quy định về phát triển văn hóa được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?
- Tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa các quy định về văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô trước đây, khi có những quy định về ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do UBND Thành phố Hà Nội quyết định, cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), hay áp dụng chế độ cao hơn đối với nghệ sĩ, nghệ nhân, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa Thủ đô...
Theo ông, làm thế nào để có thể phát triển văn hóa Thủ đô, để văn hóa Thủ đô có thể dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước?
Theo tôi, để phát triển văn hóa Thủ đô, chúng ta cần chú ý đến 2 nhiệm vụ: Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội 1000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh. Hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.
So với những điểm nghẽn mà chúng ta vướng mắc ở luật pháp, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tháo gỡ những điểm nghẽn sau. Thứ nhất, phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản. Thứ hai, chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu). Thứ ba, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Thứ tư, quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa. Thứ năm, chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Một số điểm nghẽn này đã được đề cập trong dự thảo Luật, nhưng một số điểm nghẽn chưa được đề cập, hoặc mới chỉ đề cập chung chung, chưa cụ thể, vì thế cần được lưu ý nhiều hơn khi triển khai Luật.
Vậy, ông có đề xuất sửa đổi nội dung nào trong Dự Luật?
- Về chi tiết cần sửa đổi, tôi nghĩ rằng, việc chúng ta đưa vào Luật những đặc trưng như “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (khoản 1, điều 23), có ý nghĩa định hướng rất lớn nhưng cần cân nhắc kỹ từng giá trị.
Trong số đó, tôi nghĩ sáng tạo nên là một phẩm chất quan trọng của người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và có Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) (vừa mới khai trương) của cả nước. Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, ở đó trọng tâm là những con người sáng tạo được hình thành bởi giáo dục sáng tạo, không gian sáng tạo, được định hướng bởi giá trị sáng tạo.
Bên cạnh đó, Điều 45 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do UBND Thành phố Hà Nội quyết định”.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, trong đó còn có rất nhiều ngành có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... cũng nên được đưa vào danh mục này.
Để phát triển văn hóa - động lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô, ông có mong muốn góp ý thêm nội dung gì cho Dự Luật?
- Tôi cũng muốn Ban soạn thảo làm rõ hơn quy định ở Điều 42 về quản lý tài sản công. Theo đó, các “bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa” không được nhượng quyền kinh doanh, quản lý thì có được phép liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để khai thác dịch vụ ở các thiết chế, địa điểm này không? Đây là một điểm nghẽn khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình.
Thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành – Thăng Long... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công.
Vì thế, theo ý kiến của tôi, nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa, còn ở một số các dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.
Cuối cùng, Hà Nội có một đặc thù là có rất nhiều các thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương tại Hà Nội như hệ thống các bảo tàng, thư viện, nhà hát, sân vận động… Liệu các thiết chế này có được hưởng các ưu đãi dành cho các thiết chế ở Hà Nội sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành hay không?
Tôi cho rằng, chúng ta nên cho phép các thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương này được áp dụng quy định tương tự khi chúng ta biết được rằng các quy định này có lợi cho sự phát triển văn hóa, thể thao, và các thiết chế này dù của Trung ương thì đồng thời vẫn phục vụ cho cả hoạt động văn hóa, thể thao của Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!