Theo báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta cũng sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là làn sóng dịch chuyển đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam từ một số tập đoàn lớn như Apple, Intel, Samsung… dẫn tới nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn (chip bán dẫn) được dự báo sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về tiềm năng phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
"Ngành công nghiệp quý tộc"
- Thưa ông, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh. Tuy nhiên, theo ông khó khăn lớn nhất của Việt Nam khi phát triển ngành chip bán dẫn là gì?
Tiến sỹ Nguyễn Quân: Khó khăn lớn nhất đối với ngành công nghiệp chip của Việt Nam chính là khoản đầu tư vì đây là lĩnh vực công nghệ cao, có thể gọi là "ngành công nghiệp quý tộc."
Bởi sau khi có thiết kế, chúng ta cần hệ thống các phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, thử nghiệm các con chip thiết kế rất đắt tiền. Mà điều này ở Việt Nam chưa có, phải đi thuê các phòng thử nghiệm ở nước ngoài với chi phí rất cao.
Đấy là chưa kể khi chúng ta đi vào sản xuất thì các nhà máy sản xuất chip cũng phải đầu tư rất đắt đỏ. Thêm nữa, chúng ta phải đầu tư dây chuyền sản xuất sạch, vì chip đòi hỏi môi trường sản xuất vô cùng sạch, các công nghệ robot, thiết bị tự động đều rất đắt tiền.
Khó khăn thứ hai là chúng ta vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, tức là ngành công nghiệp vật liệu điện tử, nhất là công nghệ cao và nguyên liệu sản xuất linh kiện điện tử chúng ta hiện nay là gần như là con số không.
Nếu sản xuất chip chúng ta vẫn phải nhập toàn bộ các nguyên vật liệu cần thiết. Về lâu dài chúng ta cần tự chủ để tạo nguồn nguyên vật liệu cho công nghiệp sản xuất chip.
- Việt Nam có hai con đường để phát triển ngành bán dẫn. Một là mở rộng thêm mảng sản xuất còn bỏ ngỏ hoặc là nâng cao khả năng và giá trị trong khâu thiết kế và đóng gói. Vậy, chúng ta nên phát triển theo hướng nào?
Tiến sỹ Nguyễn Quân: Theo tôi Việt Nam nên đi con đường của một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm rất tốt như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc..., đó là tự chủ từ khâu quan trọng nhất: Thiết kế.
Nếu chỉ là quốc gia gia công, lắp ráp thì chúng ta mới nghĩ phương án đầu tiên, đó là đi mở các nhà máy sản xuất chip và gia công cho các nước. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có một ngành công nghiệp vi mạch hoặc bán dẫn một cách đầy đủ và lớn mạnh.
Chính vì vậy, Việt Nam phải đi theo hướng phải làm chủ ngay từ khâu đầu tiên là khâu thiết kế. Sau đó là thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn. Song song với đó, chúng ta sẽ phát triển ngành công nghiệp vật liệu, tạo ra các nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất chip và vật liệu bán dẫn.
Một chip bán dẫn có thể có giá trị bằng nhiều tấn gạo
- Thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Là cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Quân: Thực ra chương trình hợp tác về khoa học, công nghệ với Hoa Kỳ đã được thực hiện từ nhiều năm trước đây, kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước và sau đó Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Chúng ta cũng đã đàm phán với Hoa Kỳ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Có thể nói Việt Nam sớm ký văn bản về biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học, công nghệ với Hoa Kỳ. Hằng năm chúng ta có trao đổi các đoàn công tác giữa các nhà khoa học hai quốc gia.
Hoa Kỳ cũng đã lập ra Quỹ giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ (VEF) đào tạo cho chúng ta hàng ngàn cán bộ khoa học trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Ngày nay, rất nhiều người trong đó đã trở về Việt Nam và có đóng góp rất tích cực cho khoa học, công nghệ nước nhà.
Với chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden lần này, tôi nghĩ một trang sử mới về hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam Hoa Kỳ đã mở ra.
Trong 4 lĩnh vực Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam lần này, lĩnh vực khoa học công nghệ rất được quan tâm. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.
Việt Nam chúng ta có tiềm năng rất lớn, ngoài nguồn nhân lực có trình độ, chúng ta cũng đã tiếp cận với ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn cách đây khoảng 15 năm.
Tuy nhiên do nhiều điều kiện, nhất là về nguồn đầu tư cũng như hỗ trợ kỹ thuật thì chúng ta vẫn chưa có một ngành điện tử, ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn thực sự.
Với chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden lần này, tôi nghĩ rằng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cả về nguồn lực lẫn công nghệ chúng ta có thể phát triển được ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn. Đây là ngành có giá trị gia tăng rất cao, một chip bán dẫn có thể có giá trị bằng nhiều tấn gạo.
Nếu phát triển nền công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, ngoài việc làm chủ công nghệ cao chúng ta có thể nâng hiệu quả kinh tế lên hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta cũng có thể trở thành quốc gia có vai trò nhất định trong hợp tác với Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á.
- Trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, hiện Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 5 ngàn kỹ sư chất lượng cao. Nếu tính 5 năm nữa chúng ta cần 20 ngàn kỹ sư và 10 năm nữa thì cần đến 50 ngàn kỹ sư. Theo ông, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay có thực sự thiếu hụt không và liệu Việt Nam có khả năng để đào tạo nhân lực để bắt kịp ngành công nghiệp mới mẻ này?
Tiến sỹ Nguyễn Quân: Có thể nói Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên khi chúng ta phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế cũng như đặt hàng của Chính phủ.
Có một điều là trong nhiều năm qua chúng ta chưa quan tâm đến lĩnh vực điện tử và bán dẫn, cho nên các các ngành đào tạo của các trường đại học chưa tuyển sinh được nhiều.
Nếu như nhìn vào tiềm năng con người của Việt Nam, những kỹ sư về điện tử và công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để trở thành những những chuyên gia về lĩnh vực vi mạch điện tử và bán dẫn.
Nếu nói hiện tại chúng ta có 5.000 kỹ sư thì tôi nghĩ đó con số đó có thể chấp nhận được. Chúng tôi cũng được biết rằng sau những động thái vừa rồi, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành về điện tử, vi mạch bán dẫn tại các trường đại học cũng tăng lên.
Các trường đại học tại Việt Nam đã có truyền thống đào tạo công nghệ thông tin và phần mềm, khoa học máy tính, phần cứng. Nguồn nhân lực này nếu được đào tạo bổ sung một chương trình chuyển đổi ngắn hạn, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của ngành vi mạch bán dẫn và điện tử.
Tôi nghĩ việc đào tạo số lượng khoảng 50 ngàn người làm việc trong lĩnh vực vi mạch thì không phải là một mục tiêu quá cao. Trong vòng 10 năm tới, tôi tin là chúng ta sẽ có đủ số lượng đó. Vấn đề ở chỗ là sản phẩm của chúng ta sẽ được thương mại hóa, được sử dụng đến quy mô như thế nào, phục vụ cho nhu cầu phát triển Việt Nam hay là quy mô khu vực châu Á hay toàn cầu?
Điều đó lại phụ thuộc vào thị trường và cái đó có thể do tập đoàn điện tử công nghiệp lớn quyết định. Cũng như là Samsung hay Intel họ sẽ quyết định thị trường tiêu thụ vi mạch của chúng ta.
Nếu chúng ta hợp tác tốt với các công ty lớn, với các quốc gia lớn chúng ta hoàn toàn có thể phát triển được ngành vi mạch với số lượng mà chúng ta dự báo là có thể đạt được.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!