Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, thuận lợi và thách thức đan xen

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hội thảo “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành” được xem như một diễn đàn mở, nhằm xác lập hệ thống các giải pháp, góp phần xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất tỉnh ngày càng phát triển.

Sáng 6/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành”.

Nhận diện thực trạng

Nhận diện về thực trạng vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho rằng, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, vùng chuyên canh cây ăn quả đã giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, công nghệ mới, làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của người nông dân từ phương thức sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phương thức sản xuất kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích (giữa)
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích (giữa)

Bên cạnh đó, khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có của địa phương để phát triển các vùng cây ăn quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân.

Từng bước phát triển nông nghiệp gắn với sự hình thành phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn, bảo tồn văn hóa bản địa tạo sinh kế đa dạng cho người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, ông Thích nhận định, dù đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng trong quá trình phát triển cây ăn quả, nhất là trong việc hình thành các vùng chuyên canh, huyện Nghĩa Hành vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý, có những vấn đề lớn cần khắc phục như: như việc phát triển cây ăn quả phụ thuộc rất lớn vào thời tiết; diện tích sản xuất cây ăn quả manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ yếu do tự phát; việc thiết lập mối liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái…

Các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái.
Các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái.

“Với nhiều cơ hội và thách thức đan xen với nhau, huyện Nghĩa Hành phải tận dụng dư địa, đồng thời phải khắc phục những hạn chế để tạo sản phẩm trái cây vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo thu nhập cao cho người dân và đáp ứng phát triển nông nghiệp huyện theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Thích nói.

Cần nhiều giải pháp

Bàn về thực trạng và định hướng phát triển sản xuất cây ăn quả của huyện Nghĩa Hành, Tiến sĩ Vũ Văn Khuê- Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho rằng, sản xuất cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành đã và đang đối diện với các thách thức về cạnh tranh với các vùng trồng cây ăn quả khác ở các tỉnh lân cận và vùng Tây Nguyên.

Vườn sầu riêng ở xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành).
Vườn sầu riêng ở xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành).

Thực tế, tại Nghĩa Hành, vì diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư thấp và chưa ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ nên chất lượng của sản phẩm sau thu hoạch còn thấp, giá trị chưa cao và chưa đáp ứng tốt trước đòi hỏi của thị trường.

Bên cạnh đó, việc chưa kiểm soát được chất lượng cây giống, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, trồng xen canh nhiều loại cây trên một diện tích... là những nguyên nhân chính làm phát sinh sâu bệnh hại, suy giảm sức sinh trưởng của cây, từ đó làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo tiến sĩ Khuê, Nghĩa Hành cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống trên địa bàn. Tiến hành tích hợp, rà soát để xây dựng kỹ thuật canh tác hợp lý cho từng đối tượng cây ăn quả chủ lực của huyện theo từng loại hình canh tác là thâm canh tổng hợp hay thâm canh tối thiểu.

Đồng thời, nghiên cứu xác định đối tượng và biện pháp xen canh phù hợp cho từng đối tượng cây ăn quả chủ lực nhằm đa dạng hoá sản phẩm, giảm rủi ro của yếu tố thị trường, giúp người dân tăng thu nhập. Trồng xen canh cũng giúp chắn gió tốt, che bóng, giảm bốc thoát hơi nước, cải tạo đất, đa dạng sinh học, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của thời tiết khí hậu…

"Huyện Nghĩa Hành cần hỗ trợ cây giống đảm bảo chất lượng hoặc hình thành vườn cây đầu dòng và vườn nhân giống cho các đối tượng cây ăn quả chủ lực tại địa phương; có chính sách phù hợp để hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản và chế biến phù hợp với các vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của huyện", Tiến sĩ Khuê nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, toàn huyện hiện có gần 800ha cây ăn quả với các giống chú lực là bưởi da xanh, chôm chôm tróc Java, sầu riêng, mít Thái, chuối.. Nhiều nhà vườn có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả với mức từ 100-250 triệu đồng/ha/năm.

Một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực của Nghĩa Hành là chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh...
Một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực của Nghĩa Hành là chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh...

Chiến lược của huyện Nghĩa Hành là đưa sản phẩm OCOP “Trái cây Nghĩa Hành” trên thị trường và trở thành loại hàng hóa có giá trị đóng góp cao trong kinh tế. Đồng thời phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, sản xuất theo nông nghiệp sạch tại xã Hành Thiện, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thịnh.

Hội thảo “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành” được xem là một diễn đàn mở.
Hội thảo “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành” được xem là một diễn đàn mở.

Tại hội thảo “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành”, các đại biểu còn khai thác góc nhìn đa chiều về định hướng phát triển cây ăn quả của Nghĩa Hành trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới; giải pháp kỹ thuật canh tác hạn chế rủi ro thời tiết, dịch bệnh cho cây ăn quả đạt chuẩn sản phẩm OCOP; thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng và kết nối thị trường trái cây huyện Nghĩa Hành những năm tới…