Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt trong dạy thêm, học thêm: Phải làm thật và đồng bộ

Thủy Trúc - Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

 
Trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị, thầy giáo Trần Mạnh Tùng – giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đề nghị tăng mức xử phạt và có thêm các hình thức kỷ luật dành cho những ngành liên quan.
Không chỉ nhà giáo bị phạt

Nhiều người đồng tình với việc Bộ GD&ĐT đề xuất tăng các mức xử phạt để ngăn chặn tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Quan điểm của ông về nội dung này thế nào?

- Về cơ bản, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định xử phạt về vi phạm dạy thêm học thêm. Qua 5 năm thực hiện Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy dự thảo nghị định này đưa ra những nội dung chi tiết hơn, dễ áp dụng hơn, bao quát hơn và tăng nặng mức xử phạt nhằm mục đích răn đe lớn hơn.

Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT rất chi tiết, tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định 138 cũng quy định các hình thức xử phạt cụ thể nhưng những hành vi vi phạm bị xử phạt chỉ đếm trên đầu bàn tay. Có thể nói, chúng ta có đầy đủ các quy định nhưng cấp chính quyền, ban, ngành liên quan đã buông lỏng việc thực hiện. Theo quy định, các cấp cấp xã/phường có thể xử phạt vi phạm dạy thêm học thêm với mức 5 triệu đồng, quận/huyện được xử phạt tới 50 triệu đồng, cấp sở GD&ĐT và thanh tra tương đương được quyền phạt 100 triệu đồng. Thế nhưng, việc dạy thêm, học thêm sai quy định, tràn lan, vô tổ chức vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi, nhất là ở các TP lớn mà không bị xử lý. Cũng có thể các cấp được quyền xử lý có khó khăn riêng, quy định chưa thuận tiện cho việc kiểm tra và xử lý.

Thế nên, việc ban hành một nghị định mới với những nội dung chặt chẽ, có thể tăng mức xử phạt để răn đe và quy định đi vào đời sống. Bên cạnh đó cần phải có thêm các hình thức kỷ luật dành cho các bộ, ban ngành liên quan. Ví dụ, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm thì chính quyền cấp phường/xã, quận/huyện sẽ phải liên đới, chịu trách nhiệm. Có như thế, nghị định mới đi vào đời sống giúp cho việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng quy định, triệt tiêu những tiêu cực đang diễn ra rất phổ biến.
 Một giờ học của học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai. Ảnh: Thủy Trúc
Với dự thảo nghị định này, nhiều giáo viên đặt ra câu hỏi, bác sĩ, luật sư được đi làm thêm, còn nghề giáo lại không?

- Thực tế bác sĩ, luật sư,…vẫn được đi làm thêm nhưng ở những địa điểm đã có đăng ký. Họ cũng phải có sự giám sát rất chặt chẽ, bởi nghề nghiệp của họ liên quan đến con người và nghề giáo cũng vậy. Đọc kỹ Thông tư 17 chúng ta sẽ thấy, giáo viên đã hưởng lương theo hành chính sự nghiệp thì không được mở các lớp, trung tâm dạy thêm ở bênngoài nhưng có thể tham gia dạy thêm ở một địa điểm đã đăng ký và được phép. Và trong dự thảo nghị định này, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm điều kiện giáo viên muốn dạy thêm phải được sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường.

Thứ nữa, tất cả các địa điểm dạy thêm ở ngoài nhà trường đều phải có đăng ký và được cấp phép. Trong khi, hiện nay việc giáo viên dạy thêm chủ yếu là tự phát và chưa có đăng ký vì thế khi đưa quy định này ra nhiều nhà giáo bức xúc. Tôi thấy dự thảo nghị định điều chỉnh là đúng và hoàn toàn đồng tình với quy định này.

Nhà trường tổ chức dạy thêm để quản lý học sinh

Nhiều người đặt vấn đề thanh tra, giám sát dạy thêm, học thêm liệu có minh bạch hay chỉ tạo điều kiện phát sinh thêm tiêu cực?

- Tôi nghĩ, việc giáo viên tổ chức dạy thêm thì khó có thể giấu giếm. Nếu làm một cách chặt chẽ, việc này rất dễ dàng phát hiện, từ việc kiểm tra học trò đến thu chi... chỉ có điều là thực hiện tới nơi tới chốn hay không. Tiêu cực thì vẫn có thể có, đặc biệt là mảng rộng như mảng giáo dục với hơn 1 triệu giáo viên.

Bộ GD&ĐT siết chặt các quy định về dạy thêm học thêm, liệu có làm tăng hình thức gia sư không, thưa ông?

- Hiện nay, đối chiếu theo quy định thì chưa có hình thức lượng hóa. Ví dụ một giáo viên kèm dạy 3 - 4 học sinh liệu có sai quy định? Vì giáo viên có thể có thỏa thuận gì đó đối với học sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết các ngành khác có những cái còn khó hơn nhưng vẫn thực hiện được. Tôi không dám so sánh bởi đó là khập khiễng. Hơn nữa, chúng ta đang nói về nghề giáo. Và, vừa rồi những trường hợp giáo viên bị kỷ luật ảnh hưởng tới đội ngũ nhà giáo cực kỳ ghê gớm.

Chúng ta không những cố gắng đảm bảo đúng quy định, mà còn phải làm thế nào hợp lý. Nếu không sẽ nảy sinh hai mặt của một vấn đề. Đó là ảnh hưởng tới cả danh dự và hình ảnh giáo viên nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Tôi đã chứng kiến có trường hợp đồng nghiệp bị xử lý như đi buôn lậu, các ban ngành và thậm chí cả báo chí đều vào cuộc, bêu tên, tẩy chay. Rõ ràng, chúng ta phải có cách làm cho phù hợp với đặc thù của nghề giáo.

Đã có ý kiến đề nghị trong nhà trường chỉ nên tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Các em học sinh khác có nhu cầu học thêm và thầy cô muốn dạy thêm thì đến trung tâm. Vậy ông có đồng quan điểm với đề nghị này?

- Đề nghị này một phần có lý. Tuy nhiên, giải thích ngược lại, các em học thêm trong trường chỉ phải đóng học phí ít hơn ngoài trung tâm và được quản lý tốt hơn. Nhà trường có thể phân công giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh. Việc các em đi và về các thầy cô và nhà trường đều phải nắm được. Hiện nay, nhiều nơi đã triển khai dạy thêm trong nhà trường.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến việc nên để các em tự nguyện tham gia học thêm trong nhà trường, chứ không phải tự nguyện trong dấu ngoặc kép. Tuy nhiên, hiện nay, sự tự nguyện kiểu "ép buộc" vẫn xảy ra khá phổ biến mà chưa tìm được cách nào giải quyết.

Nói tóm lại, chiếu theo Nghị định 138 và quan sát tình hình thực tế, tôi không lạc quan lắm khi có nghị định mới. Chúng ta phải làm thật và làm quyết liệt. Nhưng với những gì đang diễn ra thì rất khó triển khai. Có thể, có những nơi nào đó làm được nhưng đó chỉ là thiểu số. Chúng ta biết giáo dục có lượng giáo viên và học sinh rất đông, nên nếu thực hiện thì phải làm đồng bộ. Nếu làm mang tính chất nhỏ lẻ ở địa phương sẽ chẳng có ích gì.

Xin cảm ơn ông!

"Nhà nước và Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm, học thêm. Do đó, quy định xử phạt những hành vi dạy thêm không đúng là cần thiết. Nghị định 138 chỉ quy định phạt người tổ chức dạy thêm nhưng trong dự thảo nghị định phạt cả người dạy thêm để hoạt động này đúng quy định, nghiêm túc, có tổ chức, đăng ký đàng hoàng. Qua đó, để không còn tình trạng lớp học thêm chật chội, không bàn ghế, dạy không đúng chương trình. Về mức xử phạt trong dự thảo thấp nhất từ 1 – 2 triệu đồng, cao nhất từ 12 – 15 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng không đủ sức răn đe, bởi thực tế, có nhiều lớp dạy thêm thu được số tiền một buổi tới hơn 30 triệu đồng. Ban soạn thảo đã bàn bạc rất kỹ. Thực tế, số tiền thu được từ dạy thêm nhiều chỉ có ở các TP lớn, những tỉnh khác thu từ dạy thêm không cao. Nghị định để áp dụng trong cả nước, quy định mức xử phạt phải đảm bảo tính khả thi. Hơn nữa, cùng với phạt tiền còn có hình thức bổ sung như đình chỉ giảng dạy.' - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng