Siêu đô thị đáp ứng nhà ở cho 600.000 dân
Việc được Thủ tướng chính thức phê duyệt là dấu mốc quan trọng để Hà Nội triển khai xây dựng 1 trong 5 đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực gánh nặng về dân số, hạ tầng cho khu vực đô thị trung tm.
Theo quyết định phê duyệt, phạm vi ranh giới quy hoạch đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội với quy mô nghiên cứu khoảng 17.274ha. Ranh giới cụ thể, phía Bắc giáp với trục Hồ Tây – Ba Vì; phía Đông là sông Tích; phía Tây và Nam giáp với tỉnh Hòa Bình.
Mục tiêu được xác định là phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành. Là cơ sở để quản lý phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đô thị Hòa Lạc trong tương lai được định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng… Đồng thời, Hòa Lạc cũng sẽ là một đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng, đô thị khoa học – công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội. Quy mô dân số năm 2025 dự kiến khoảng 150.000 người. Từ năm 2030, dân số tối đa khoảng 600.000 người - với tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Phân thành 2 vùng phát triển
Về định hướng tổ chức phát triển không gian, đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng chính là vùng phát triển đô thị (lõi đô thị), có quy mô diện tích khoảng 7.450,08ha (chiếm 43,1%) và vùng vành đai xung quanh đô thị (là phần còn lại trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc), có quy mô diện tích khoảng 9.823,92ha (chiếm khoảng 56,9%).
Trong đó, vùng lõi đô thị phát triển xây dựng theo mô hình đô thị, tập hợp các khu chức năng và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực, bao gồm: Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, các khu đô thị mới; hệ thống trung tâm công cộng, trung tâm y tế cấp vùng và các khu chức năng đô thị được đan xen, kết nối bởi hành lang xanh sinh thái tích hợp với khu nhà ở thấp tầng, nhà biệt thự sinh thái có mật độ xây dựng thấp, kết nối giữa không gian tự nhiên với không gian đô thị hiện đại và bảo vệ, tôn tạo một số làng xóm hiện hữu có chỉnh trang cải tạo; mô hình các trung tâm TOD gắn kết các trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ và hệ thống giao thông đô thị hiện đại (bao gồm mạng lưới các tuyến đường vành đai và đường chính đô thị, được gắn kết bởi mạng lưới giao thông công cộng là chủ yếu, với các làn riêng cho City Bus, BRT, Metro, xe đạp và các phương tiện thân thiện với môi trường khác).
Vùng vành đai xanh bao quanh đô thị phát triển xây dựng theo mô hình nông thôn mới, bao gồm: Khu vực nông nghiệp phía Tây sông Tích; khu sinh thái rừng núi Viên Nam; vùng đệm xanh xung quanh sân bay Hòa Lạc kết nối với hồ Đồng Mô, rừng quốc gia Ba Vì và các khu chức năng đặc thù; sân bay Hòa Lạc; hạn chế phát triển nhóm nhà ở riêng lẻ không bảo đảm đồng bộ, chỉ xem xét bố trí các dự án phát triển khu nhà ở có quy mô trên 20ha với các chức năng kết nối hạ tầng đồng bộ, bảo đảm mật độ xây dựng thấp, công trình thấp tầng.
Với quy hoạch đồng bộ, chủ trương phát triển đúng đắn, Hòa Lạc là đô thị lớn nhất trong chuỗi 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội sẽ sớm trở thành đô thị hiện đại của cả nước và mang tầm cỡ quốc tế.
"Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc với chức năng là trung tâm đô thị khoa học công nghệ, đào tạo sẽ là đòn bẩy, động lực phát triển rất lớn đối với Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra sự hấp dẫn, thu hút lượng lớn dân cư từ vùng đô thị trung tâm chuyển đến sinh sống. " - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam,TS Đào Ngọc Nghiêm |