Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép lịch sự tối thiểu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mẹ Loan nằm viện đã mấy ngày, bà ngủ chập chờn hàng đêm, nên người rất mệt mỏi. Nhà không có ai đến trông nom, nên mọi việc cần gì mấy bà bạn ốm cùng phòng lại giúp lẫn nhau.

Chiều hôm ấy, một đám bạn của Loan học xong, rủ nhau kéo đến thăm bà. Chúng xách túi to, túi nhỏ, nào cam, nào đường, nào sữa, chất đầy cả bên trong và bên ngoài cái tủ đầu giường của bà. Chúng lôi hết ghế ở các góc đem lại ngồi bên bà, không đủ lại leo lên cả giường bệnh nhân. Sau vài lời thăm hỏi mẹ Loan, chúng quay ra chuyện riêng với nhau, cứ bô bô đủ thứ chuyện ở trường, ở nhà, ở ngoài xã hội, khiến căn phòng 8 giường bệnh trở nên ồn ào náo nhiệt.

Bà nằm bên cạnh giường mẹ Loan mệt nặng, đang thiu thiu ngủ cũng bị bọn trẻ đánh thức, bà trở mình luôn và thở dài.

Hết chuyện riêng, bọn trẻ lại quay sang chuyện thời trang, chuyện mốt mới, hàng hiệu rất rôm rả, chỉ đến khi chị y tá trực phòng vào góp ý và đề nghị thăm xong ra về, họ mới chịu đứng lên.

Chúng đã ra hết, bà hàng xóm nằm bên mẹ Loan mới phê bình một cách khéo léo: “Các cô ấy bây giờ sướng thật, chẳng biết ai đau, ai buồn, đi thăm người bệnh mà cứ như đi hội”.

Mẹ Loan san sẻ quà cho bà, bà khăng khăng từ chối: “Cả đời em có biết đến đường, sữa là gì đâu. Suốt ngày ở ngoài đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mùa màng trông cả vào ông trời, cho thì được, mất mùa lại đói thiếu. Phải đi nằm viện thế này, cháu bà phải bán cả lứa lợn con mới có tiền. Thôi, bà chị có lòng cho, em xin vài quả nhãn ăn cho khỏi khô cổ…

Hôm sau Loan vào, nghe mẹ thì thầm nói chuyện hôm trước, Loan gục đầu vào ngực mẹ: “Con biết lỗi rồi, vì đã không khuyên ngăn bạn!”.

Bàn tay bà mẹ khẽ vỗ nhẹ lên mái đầu cô con gái.