Việc hệ thống lỗi, tê liệt khi cao điểm khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép trong khi Ủy ban Chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả đã khiến nhà đầu tư rất bức xúc. Trên khắp các diễn đàn, năng lực của cơ quan quản lý, trách nhiệm của cơ quan vận hành được đem ra mổ xẻ, phản ánh. Điều này khiến nhà đầu tư nghi ngờ về tính minh bạch, công bằng của thị trường.
Lý do “giao dịch đột biến tăng nên khó trách khỏi tắc nghẽn” được cơ quan vận hành HOSE đưa ra được nhà đầu tư cho là không thuyết phục. Câu hỏi về năng lực vận hành, dự báo của UBCK cũng như HOSE lại được đặt ra. Một trong những mục tiêu mà Bộ Tài chính, UBCK đặt ra trong thời gian tới là nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, với hệ thống công nghệ hạn chế và những sự cố thời gian gần đây khiến đích đến nâng hạng có vẻ vẫn còn xa.
Cuối năm 2020, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho TTCK Việt Nam nâng hạng trước năm 2025. Người đứng đầu cơ quan này lạc quan: “Trong các tổ chức xếp hạng có MSCI và FTSE Russel, FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vài năm. Kết quả mới nhất FTSE vẫn giữ Việt Nam trong danh sách nâng hạng. Đây là kết quả tương đối tích cực”. Một trong những điểm tích cực của TTCK Việt Nam theo ông Dũng là với việc Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021, môi trường đầu tư cũng minh bạch và tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế nghẽn lệnh thời gian qua đang đặt ra những thách thức không nhỏ về công nghệ, quản lý vận hành thị trường.Người đứng đầu UBCK cũng thông tin, năm 2021, việc đưa hệ hệ thống CNTT vào hoạt động sẽ giúp thực hiện những nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về... sẽ giúp hiện đại hóa TTCK. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện triển khai hệ thống này đang bị chậm do phải chờ chuyên gia nước ngoài sang triển khai nhưng đang bị kẹt do dịch Covid-19. Một sự giải thích thiếu thuyết phục của HOSE, của UBCK trong khi nhà đầu tư đang đứng ngồi không yên vì không thể thực hiện được giao dịch những lúc cao điểm.Thực tế không thể phủ nhận, cuối năm 2020, sự tham gia của đông đảo một số lượng lớn nhà đầu tư F0, của các nhà đầu tư nước ngoài… đã chứng tỏ thị trường vốn này của Việt Nam đang hấp dẫn. Tuy nhiên, với hạ tầng công nghệ hiện tại, việc kiến tạo thị trường tốt hơn, minh bạch hơn có vẻ vẫn là câu chuyện dài. Nếu không khẩn trương có giải pháp căn cơ thì sẽ rất khó thuyết phục để nhà đầu tư chọn kênh chứng khoán để tham gia vào thị trường.