Chóng mặt với phí đặt cọc
Vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập được đẩy lên khá sớm, chia làm nhiều đợt trong năm với các hình thức, phương thức khác nhau. Khi đã ghi danh vào trường tư, mỗi học sinh đều mất phí đặt cọc hoặc phí giữ chỗ. Đây là quy định của hầu hết trường tư để đảm bảo công tác tuyển sinh về đích đúng kế hoạch. Số phí đặt cọc và hạn đóng phí của mỗi trường là khác nhau và được ban tuyển sinh của trường gửi chi tiết cho phụ huynh tìm hiểu, cân nhắc trước khi quyết định.
Việc đóng phí đặt cọc là hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Khi phụ huynh làm thủ tục đặt cọc, nhân viên tuyển sinh của các trường không quên lưu ý phụ huynh về việc số tiền cọc không được lấy lại nếu học sinh không theo học tại trường.
Chủ động, tự nguyện, đồng thuận nộp phí là vậy nhưng chia sẻ câu chuyện này, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng số tiền cọc do một số nhà trường đưa ra hiện ở mức cao so với thu nhập của họ.
Được biết, năm học 2023 – 2024, phí đặt cọc vào các trường tư thục có tiếng dao động từ hơn 10 triệu đến gần 30 triệu đồng/học sinh và mức phí này dự kiến tiếp tục được duy trì trong mùa tuyển sinh năm học 2024 - 2025.
Khi học sinh trải qua đợt xét tuyển hoặc kỳ kiểm tra đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức, nếu đạt yêu cầu, trường sẽ gửi nội dung chúc mừng kèm các loại phí phải đóng trước thời hạn nhất định hoặc phải đặt phí giữ chỗ. Nếu học sinh nhập học chính thức, tiền đặt cọc được quy đổi sang các khoản cơ bản: Phí nhập học, cơ sở vật chất, đồng phục, học phí... tùy quy định về mức thu của mỗi nhà trường. Có số ít trường, khi đóng phí giữ chỗ, học sinh sẽ được tham gia một khóa sinh hoạt hoặc học tập kỹ năng ngắn ngày do trường tổ chức.
Với những học sinh có một mục tiêu, một nguyện vọng duy nhất là vào trường tư thì việc đặt cọc không cần bàn tới bởi trước sau vẫn sử dụng số tiền này khi nhập học. Nhưng với những học sinh coi cơ hội học trường tư chỉ là phương án phụ hay phương án dự phòng thì phí đặt cọc vài chục triệu là số tiền lớn và nếu không học, nhà trường là đơn vị hưởng lợi.
“Lương em 12 triệu/tháng nhưng năm trước em đã bỏ ra 20 triệu đặt cọc cho con và sau bỏ cọc vì học trường khác. Cảm giác mất tiền trong sự tự nguyện đó không hề dễ dàng, dễ chịu. Với em và với nhiều phụ huynh, số tiền 20 triệu đặt cọc quả thật quá cao”, chị Nguyễn Thị Mai, trú tại huyện Thanh Trì cho biết.
Cần hiểu trường và hiểu con
Khi đã chi tiền đặt cọc giữ chỗ, phụ huynh thường đã có sự cân nhắc để con có phương án dự phòng trường hợp con thi trường chính không đỗ thì còn có trường phụ để học. Tuy vậy, vẫn có không ít phụ huynh đặt cọc trong trạng thái vội vàng hoặc bị xao động, bị phân tâm theo đám đông dẫn đến quyết định mang tính thời điểm.
Thực tế cho thấy, có phụ huynh bỏ tiền để đặt cọc cho con vào 2 - 3 trường với tổng chi phí đến 50 - 60 triệu sau đó bỏ cọc, không học trường nào vì con đỗ nguyện vọng cao hơn.
Chị Nguyễn Thu Hà, trú tại quận Hà Đông từng đặt cọc vào 3 trường tư điểm của Hà Nội nhưng khi trường công hot nhất Hà Nội công bố điểm thi, con chị đỗ với số điểm cao; vì vậy chị bỏ cọc cả 3 trường để ghi danh vào trường công lập tốp đầu kia.
“Biết con mình học tốt nhưng vì mức độ cạnh tranh quá cao; lo con làm bài không đạt phong độ hôm đi thi dẫn đến số điểm không như mong muốn. Hơn nữa, các trường tư con đỗ đều là niềm mơ ước của các bạn cùng lứa. Do vậy, tôi đã lần lượt đặt cọc 3 trường trước khi có quyết định cuối cùng. Nếu được quay lại, chắc tôi chỉ đặt cọc vào 1 trường”, chị Thu Hà chia sẻ.
Các chuyên gia giáo dục cho biết, rất khó để đưa ra lời khuyên với phụ huynh về vấn đề đặt cọc hay không vì đó là lựa chọn của mỗi người và tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình.
Tuy vậy, để hạn chế việc lãng phí trong bỏ tiền đặt cọc, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu năng lực của con để chọn trường mục tiêu; đồng thời cần có niềm tin vào con mình; tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến việc đặt cọc bừa phứa, lãng phí.
Cùng với đó, chỉ nên đặt cọc vào một trường, không nên đặt cọc nhiều trường và phải hiểu rõ về trường mình đặt cọc.
Khi có ý định cho con học trường nào, phụ huynh hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu các điều kiện của trường như xe buýt đưa đón, chất lượng giáo viên, thành tích, tầm nhìn sứ mệnh, cơ sở vật chất, loại hình lớp… Nếu thấy phù hợp với con, với gia đình, có khả năng cao sẽ học mới nên đặt cọc, hạn chế việc bỏ tiền mua cơ hội không đâu và không dùng đến.