Xưa nay trong lịch sử đất nước này chưa từng thấy có chuyện thay đổi chính phủ bằng quyết đinh của nghị viện như vậy mà thường thông qua đảo chính quân sự hoặc tổng tuyển cử. Nhiều người ở bên ngoài Pakistan cho rằng sự thay đổi chính quyền vừa rồi là chiến thắng của hiến pháp và nền dân chủ ở Pakistan. Trên danh nghĩa và biểu hiện ra bên ngoài thì đúng là như vậy nhưng trong thực chất chắc chắn không chỉ như vậy.
Nền dân chủ ở Pakistan xưa nay không bền vững mà phụ thuộc ở mức độ rất quyết định vào sự ủng hộ hay không ủng hộ của giới quân sự. Khi lên cầm quyền, ông Khan được coi là có mối quan hệ rất tốt với giới quân sự ở Pakistan nhưng hiện tại lại không được như vậy nữa. Ông Khan tới thăm Nga đúng vào ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi giới quân sự Pakistan công khai lên án Nga. Giới quân sự ở Pakistan đặc biệt coi trọng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc chứ không phải với Nga. Ông Khan không gây vấn đề gì với Trung Quốc trong thời gian cầm quyền vừa qua, thậm chí lại còn theo đuổi tham vọng gây dựng liên kết hợp tác tay ba giữa Pakistan - Trung Quốc - Nga. Nhưng phía Mỹ đâu có bỏ qua dễ dàng việc ông Khan đứng hẳn về phía Nga trong chuyện xung khắc giữa Nga và Ukraine. Ông Khan đã cáo buộc Mỹ giật dây chính biến vừa qua ở Pakistan.
Trong khi đó, ông Shabar Sharif lại có mối quan hệ tốt với giới quân sự ở Pakistan. Giới quân sự ở nước này có lợi ích và lý do xác đáng để không can dự trực tiếp vào chính biến nhằm cứu ông Khan hoặc lại nhiếp chính. Rõ ràng là ông Sharif phải thế nào với giới quân sự thì giới quân sự mới để cho thủ lĩnh phe đối lập lên nắm quyền thông qua con đường hiến pháp. Trung Quốc không phải quan ngại gì, Mỹ có thể hài lòng trong khi Nga mất một đồng minh bởi chính biến vừa rồi ở đất nước này.