KTĐT - Như đã thông tin, trong khi nhiều người nghĩ đến kịch bản xấu nhất là chiếc xe khách xấu số 48K-5868 cùng các nạn nhân đã trôi ra biển thì một số doanh nghiệp vận tải biển tại Nghệ An quyết xin vào cuộc tìm kiếm. Ít ai biết câu chuyện xin được làm việc thiện đầy cảm động này.
Không thể đứng nhìn bà con gặp nạn
Đang loay hoay tìm cách xin vào khu trục vớt, anh Thành sực nhớ tới người bạn làm cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Công an Hà Tĩnh rồi móc điện thoại gọi ngay để nhờ can thiệp. Nhờ cuộc gọi này anh được vào để “đi khảo sát hiện trường vụ tai nạn”. Anh nghĩ nghề vận tải biển của mình với kinh nghiệm nhiều đợt trục vớt tàu đắm nên khó mấy cũng quyết tìm cho được chiếc xe mà bao nhiêu người đang mong chờ.
Trên đường về lại công ty, gặp một số cảnh sát huyện Nghi Xuân, anh Thành nôn nóng đặt vấn đề muốn được tham gia tìm kiếm chiếc xe. Mấy chiến sĩ cảnh sát nhìn anh đầy ngạc nhiên nhưng vẫn hứa sẽ báo cáo gấp với UBND huyện và Công an huyện Nghi Xuân. Khi hai cơ quan này yêu cầu công ty phải có công văn xin tìm kiếm chiếc xe bị nạn, anh Thành làm ngay.
Công văn của anh nêu gọn ba lý do: công ty đặt tại nơi giáp ranh hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nên không thể đứng nhìn bà con gặp hoạn nạn; công ty xin chung tay tiếp sức cứu người với tấm lòng thương người như thể thương thân; công ty sẽ tự nguyện tổ chức nhân lực, phương tiện, kinh phí để tìm kiếm.
Công văn đã gửi đi, nghĩ rằng sẽ được duyệt nên về đến công ty, anh Thành mời cán bộ chủ chốt đến để khởi xướng phương án rà tìm chiếc xe. Lúc đó, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thiên Tài, Công ty CP thương mại Đình Cẩm, Công ty xuất nhập khẩu Ngọc Hải cũng có mặt, góp kinh phí mua vật tư, bồi dưỡng cho 130 thợ trên sông. 13g ngày 20-10 được phép triển khai thì 14g cùng ngày anh Thành chỉ huy tàu trục vớt, tàu kéo, tàu vận tải biển, cần cẩu, sà lan và các thiết bị rà tìm tiếp cận khu vực chiếc xe gặp nạn.
Làm cật lực
Phương án đầu tiên là dùng hai sà lan tự hành hai bên bờ sông để giăng 1.000m dây dù từ bên này sông sang bên kia. Cứ cách 20m có một thỏi sắt nặng 50kg để kéo dây xuống đủ tầm cần rà soát. Giữa sông là hai đầu kéo 500 mã lực và 800 mã lực luôn đi theo hai sà lan với nhiệm vụ khi gặp nước chảy xiết thì có thể kéo ngược sà lan trở lại để định vị.
Anh Trần Nhất Thành (mặc áo phao) chỉ huy thợ kéo dây cáp nâng chiếc xe bị nạn từ đáy sông lên trưa 21-10 - Ảnh: Phước Tuần |
Sau hai giờ thực hiện phương án này thì gặp chướng ngại vật. Hai trong nhiều thợ lặn cự phách là Nguyễn Văn Hoàn và Nguyễn Văn Sơn liền được tung xuống nước. Nhưng phải chờ thêm hai giờ vật lộn với dòng lũ mênh mông, hai thợ lặn này mới chạm được chiếc xe khách.
Lúc đó trời tối mịt, anh Thành vừa lo vừa chưa tin lắm mặc dù hai thợ lặn khẳng định được vị trí chiếc xe. Để chắc hơn, anh nhờ thợ lặn chuyên nghiệp của Quân khu 4 lặn xuống kiểm tra giúp nhưng những thợ lặn này không tiếp xúc được với chiếc xe vì ở độ sâu 12m, nước chảy xiết.
Anh Thành quay lại kiểm tra lần cuối báo cáo của hai thợ lặn Hoàn và Sơn rồi có ý kiến với lãnh đạo tỉnh và Công an Hà Tĩnh về vị trí chiếc xe đã được xác định. UBND tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào lúc 20g ngày 20-10 và yêu cầu anh Thành trình bày kế hoạch trục vớt xe. Anh nói rất nhanh với quyết tâm sẽ kéo chiếc xe lên trong ngày 21-10. Ý kiến của anh được mọi người chấp nhận và hi vọng.
Sáng 21-10 anh Thành điều 60 thợ tham gia trục vớt. Lúc cao điểm điều thêm 70 thợ nữa. Một dây chuyền trục vớt bắt đầu hoạt động đồng bộ với 20 thợ lặn “vo” (kiểu lặn thủ công) thường xuyên thay nhau lặn dưới nước để móc dây cáp vào xe; thợ nổ máy lo bơm hơi; tàu kéo lo định vị; trong bờ vận chuyển dây cáp ra để chuẩn bị kéo.
Họ làm cật lực vì mỗi khi nhìn lên bờ thấy gia đình các nạn nhân và hàng trăm người dân đang đứng ngồi mong ngóng.
Khi tời balăng xích bắt đầu quay bằng những cánh tay chắc khỏe của 20 người thợ thay nhau đảm nhiệm, chiếc xe dần nổi lên khỏi mặt nước đục ngầu.
Anh Thành kể: “Nóng ruột nhất là ba lần dây tời bị đứt nhưng chúng tôi đều khắc phục ngay để cuộc trục vớt không được phép chậm trễ. Đến gần trưa, chiếc xe khách xấu số đã được kéo vào bờ. Khi nhìn thấy thi thể các nạn nhân nằm lẫn bùn cát trong xe, chúng tôi mới bàn giao cho chính quyền địa phương trong cảnh không cầm được nước mắt”.
Câu chuyện trục vớt chiếc xe gặp nạn trong vòng 20 giờ của kỹ sư Trần Nhất Thành và những người thợ khiến mọi người vô cùng cảm kích. Trong những giờ căng thẳng đó, bữa cơm của các anh chỉ là ổ bánh mì ăn vội.
Dũng cảm và nhân hậu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật nhìn nhận các doanh nghiệp tình nguyện tham gia tìm kiếm chiếc xe bị nạn đã khẩn trương huy động tàu kéo, cần cẩu lớn, sà lan và cung cấp những thợ lặn giỏi để thực hiện thành công cuộc trục vớt đầy cam go này. Ông Nhật cho biết hiện ông đang đi cảm ơn các doanh nghiệp nhưng không phải cảm ơn bằng tiền vì các doanh nghiệp không nhận tiền. Sắp tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tặng bằng khen, biểu dương tinh thần dũng cảm và tấm lòng nhân hậu của những người tự nguyện nói trên. |