Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phía sau niềm vui được cứu sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt một tuần qua, dư luận đặc biệt chú ý tới những thông tin cập nhật mà các...

Kinhtedothi - Trong suốt một tuần qua, dư luận đặc biệt chú ý tới những thông tin cập nhật mà các phương tiện truyền thông liên tục tuyền tải về vụ sập hầm thủy điện xảy ra sáng 16/12 trên công trình thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều công nhân bị mắc kẹt.

Hầm thủy điện này bị sập do mưa lớn tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ngay sau khi có thông tin về vụ sập hầm này, lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương, các ban ngành đã cùng bắt tay vào cuộc để tìm mọi cách khẩn trương giải cứu các nạn nhân bị kẹt trong hầm. Với nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sau hơn 82 giờ đồng hồ, 12 nạn nhân cuối cùng đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả  nước.
Những hình ảnh, thông tin xung quanh vụ sập hầm không chỉ khiến dư luận trong nước quan tâm mà cả những hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, Reuters... cùng vào cuộc. Và ngay sau cuộc giải cứu thành công, không riêng gì báo chí Việt Nam “ngả mũ” cảm ơn các bộ, ban ngành... mà ngay cả báo chí thế giới cũng phải “nghiêng mình” ca ngợi lực lượng cứu hộ Việt Nam trong cuộc chạy đua cứu sống các công nhân mắc kẹt dưới hầm thuỷ điện Đạ Dâng, đặc biệt là sự trợ giúp của hàng trăm lính công binh. 

 
Những nạn nhân đầu tiên được bộ đội đưa ra khỏi đường hầm. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Những nạn nhân đầu tiên được bộ đội đưa ra khỏi đường hầm. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Trong suốt 82 giờ giải cứu 12 nạn nhân, sự có mặt của những người lính bộ đội Cụ Hồ đã thực sự dệt nên những ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. Đó là khi các anh sẵn sàng chia sẻ với tất cả các công nhân, người thân của nạn nhân, các lực lượng khác bát cháo nóng giữa rừng sâu lạnh giá. Đó là khi các anh nhận những việc khó khăn, nặng nhọc nhất về phần mình không một tiếng thở dài, như chặt, vác cây về khu tập kết, đào hầm bằng tay; hơn thế là khi các anh sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào, ở đâu khi người dân cần giúp đỡ.

Thế mới thấy, giữa thời bình, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn làm nên những chiến công hiển hách, anh dũng, kiên cường, bách chiến bách thắng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Hơn thế nữa, cuộc giải cứu thành công 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm diễn ra đúng vào dịp cả nước đang sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, vì thế chiến công giữa thời bình của các anh càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc hơn, càng thắm tình người, tình quân dân. 
Niềm vui của các cứu hộ viên khi đưa các nạn nhân ra khỏi đường hầm
Niềm vui của các cứu hộ viên khi đưa các nạn nhân ra khỏi đường hầm. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Thế nhưng, sau những giây phút từng nạn nhân được đưa ra khỏi hầm, có lẽ điều đọng lại trong tâm khảm mỗi người chiến sĩ, dư luận xã hội và người dân cả nước không chỉ là tiếng vỗ tay, tiếng cười, những giọt nước mắt hạnh phúc mà đâu đó vẫn những trăn trở, nỗi lo về tính mạng của những con người đang ngày đêm làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Bởi trong thời gian qua, nhiều vụ sập hầm thủy điện, hầm đá, hầm vàng... đã cướp đi nhiều sinh mạng.

Gần nhất là ngày 1/8/2014, vào lúc 17h30, tại khu vực mỏ đá Trại Sơn A, thôn 11 xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, khi các công nhân khai thác đá đang kích nổ mìn thì núi đá sạt lở, vùi lấp cả 5 công nhân. Trước đó, tối 11/1/2014, một vụ sập hầm vàng tại địa phận thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã khiến 3 người thiệt mạng. Xa hơn, vào ngày 1/4/2011, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) khiến 18 người tử nạn. Cũng ngày này cách đó hai năm sau (1/4/2006), vụ bục nước lò than Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã vùi lấp 21 người. 
Và vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến sập hầm mỏ thủy điện tại nước ta phải kể đến vụ sập núi tại công trình thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương (Nghệ An) khiến 18 người tử nạn. 
Một công nhân được cứu thoát sau thảm họa hầm mỏ tại Soma, thảm họa tồi tệ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ
Một công nhân được cứu thoát sau thảm họa hầm mỏ tại Soma, thảm họa tồi tệ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ
Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có hàng ngàn công nhân, thợ mỏ tử  vong vì các tai nạn liên quan đến sập hầm, đặc biệt trong quá trình khai thác khoáng sản như than đá... Phần lớn những vụ tai nạn sập hầm xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt tại Trung Quốc, khi mà tỷ lệ sập hầm tại quốc gia này cao nhất trên thế giới. Gần đây nhất là ngày 13/5/2014, vụ tai nạn xảy ra tại mỏ than huyện Soma (tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ) được xem là thảm họa hầm mỏ tồi tệ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vụ tai nạn mỏ than tồi tệ nhất thế kỷ 21. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 301 công nhân.

Theo báo cáo của các đơn vị có liên quan, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn sập hầm thủy điện, hầm vàng, mỏ đá có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Còn về phía nạn nhân được cứu sống sau các vụ sập hầm, ngoài  người muốn về quê làm viêc khác, những công nhân vẫn muốn gắn bó với công việc đều mong không bao giờ xảy ra những vụ tai nạn lao động khủng khiếp như vậy, ai cũng mong mọi công trình, chủ đầu tư và nhà thầu cần đảm bảo việc an toàn lao động để họ an tâm cống hiến sức lao động, sáng tạo của mình cho công việc họ lựa chọn.