70 năm giải phóng Thủ đô

Phiên điều trần căng thẳng với sắc lệnh di trú của ông Trump

Lan Hương (Theo Reuters/CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với công dân 7 nước Hồi giáo đã trải qua phiên điều trần căng thẳng tại Tòa phúc thẩm liên bang.

Ba thẩm phán liên bang nghe tranh luận gồm Michelle Friedland, chủ trì, William Canby và Richard Clifton. 
Trong phiên điều trần kéo dài một giờ đồng hồ, 3 thẩm phán tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 đã đặt sức ép lên luật sư của chính phủ mặc dù lập luận từ chính quyền của ông Trump cho rằng, công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria and Yemen đặt ra mối nguy với an ninh quốc gia.
Tòa phúc thẩm điều trần sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Mở đầu phiên điều trần, luật sư August Flentje, đại diện cho chính quyền Tổng thống Trump với tư cách cố vấn đặc biệt cho Bộ Tư pháp cho rằng, việc ký sắc lệnh của Tổng thống Trump đã được Quốc hội cho phép vì lý do an ninh.
Khi thẩm phán Tòa phúc thẩm đặt câu hỏi về bằng chứng mà sắc lệnh sử dụng để cho rằng 7 quốc gia Hồi giáo đặt ra mối nguy khủng bố với Mỹ, ông Flentje cho rằng, quy trình được thực hiện rất nhanh nhưng không đưa ra ví dụ cụ thể.
Đại diện chính quyền Tổng thống Trump lập luận, cả Quốc hội và chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đều cho rằng 7 quốc gia này đặt ra mối đe dọa khủng bố và đã có các yêu cầu khắt khe về thị thực.
Thẩm phán Richard Clifton, được cựu Tổng thống George W. Bush chỉ định đã đặt ra những câu hỏi cứng rắn đối với cả luật sư đại diện cho bang Minnesota và Washington - những người phản đối sắc lệnh. Thẩm phán Clifton đặt câu hỏi, liệu phán quyết ngừng thực thi sắc lệnh có “quá rộng”.
Ông Noah Purcell - Tổng chưởng lý đại diện cho tiểu bang Washington và Minnesta lập luận, phán quyết của tòa án nhằm “giám sát về việc lạm dụng quyền hành pháp". Ông Purcell cho rằng, sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống gây ra những tổn hại không thể khắc phục khi như gia đình bị cách ly, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế...
Ông Purcell cũng chỉ trích, sắc lệnh của Tổng thống là "phân biệt đối xử" nhắm vào người Hồi giáo. Thẩm phán Clifton yêu cầu ông Purcell nói rõ hơn về các bằng chứng cho thấy tính chất "phân biệt đối xử" bởi 7 nước bị hạn chế chỉ là một phần nhỏ trong thế giới người Hồi giáo. Tuy nhiên, ông Purcell cho biết, sẽ có thêm bằng chứng trong thời gian tới.
Phiên điều trần của Tòa phúc thẩm khu vực 9 kết thúc sau một tiếng đồng hồ và các thẩm phán sẽ đưa kết luận trong tuần này.