Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11: GDP 2019 sẽ vượt mục tiêu 6,8%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, bình ổn giá thịt lợn, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu

Kinh tế tăng trưởng khá
Điểm qua tình hình kinh tế 11 tháng năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều xu hướng tích cực, thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%. Riêng tháng 11/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8%; theo đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 xuất siêu 9,1 tỷ USD. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD.
Hiện tại cả nước đang có 30.000 căn condotel. Loại hình bất động sản này phát triển nóng nhất vào năm 2016 - 2017 sau đó thoái trào vào 2018 - 2019. Trong tháng 12, Liên Bộ Xây dựng, TN&MT, VHTT&DL sẽ hoàn hành các vấn đề pháp lý liên quan đến condotel như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế vận hành quản lý, chuyển nhượng, mua bán, cấp chứng nhận sở hữu… Ngoài ra, đề xuất xây dựng hướng dẫn, trong đó có mẫu hợp đồng mua bán condotel. Qua đó, sẽ có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của người bán, người mua, lưu ý lợi nhuận cam kết… Việc lưu ý lợi nhuận cam kết trong hợp đồng mẫu sẽ tạo ra hành lang pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ đà phát triển khá. Tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới và có 36,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nổi bật, tháng 11 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ KH&ĐT nhận định, khả năng GDP cả năm 2019 sẽ đạt cao hơn mục tiêu 6,8% Quốc hội đặt ra. “Tuy vậy, Thủ tướng chỉ đạo không được chủ quan, thực hiện hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, trong đó bình ổn giá thịt lợn, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh tiến độ phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, sớm triển khai các dự án trọng điểm, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp mới, tạo động lực với tinh thần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…” - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo chiều cùng ngày.
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa
Trước câu hỏi về vấn đề quản lý cung cầu và giá thịt lợn, giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá cả thế nào khi giá thị trường hiện đang rất cao, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn chết và tiêu hủy của cả nước khoảng 5,9 triệu con, khối lượng 338.000 tấn. Hiện, số lượng lợn còn khoảng 25 triệu con, Tổng cục Thống kê dự báo thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. "Tới đây, ngành NN&PTNT tập trung vào các giải pháp như phòng chống dịch bệnh, tái đàn cho các DN, trang trại lớn. Đồng thời nhân nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc; ngăn chặn không cho nhập khẩu lợn, không để lợn và sản phẩm của lợn qua biên giới. Tái đàn sau một chu kỳ thì thịt lợn sẽ đáp ứng nhu cầu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thực tế nguồn cung trong nước giảm đã khiến giá thịt lợn tăng cao. Nếu không cẩn trọng, sau Tết Nguyên đán, đây vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà cả CPI và phát triển kinh tế, thương mại. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… để nắm bắt tình hình cung cầu về thịt lợn.
Một thực tế khác được Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ra là lượng lợn nhập khẩu lậu từ Thái Lan, Campuchia rất lớn. “Trong 24 nước chúng ta nhập khẩu lợn lại không có Thái Lan và Campuchia. Vì vậy, nếu nhập khẩu lậu từ các nước này sẽ có nguy cơ rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, mang mầm mống bệnh dịch, ảnh hưởng đến lợn trong nước” - ông Hải nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các tỉnh có biên giới quản lý chặt việc đưa lợn qua biên giới. Bởi nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu, nếu đưa qua biên giới sẽ càng thiếu, ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong nước.