Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5: Cụ thể hóa chỉ tiêu cho từng ngành

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ, tuy nhiên, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, qua đó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

* Trước mắt chưa xem xét tăng giá điện trong năm 2017

Đó là những nội dung trọng tâm được bàn thảo trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tuần qua.

Quy trách nhiệm nếu không đạt chỉ tiêu

Với quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7%, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt Chỉ thị 24 vừa ban hành ngày 2/6, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, giao nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực. Cụ thể, khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%, trong đó xuất khẩu (XK) nông sản phải đạt 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp tăng 7,91% (công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo, công nghiệp điện và ngành xây dựng tăng 10,5%); dịch vụ phải tăng trưởng ở mức 7,19% (du lịch phải tăng trên 30%, thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế). Cùng với đó là đẩy mạnh XK để đóng góp vào tăng trưởng; đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn ngoài ngành, sớm niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán DN đã cổ phần hóa… Thủ tướng yêu cầu phải quy trách nhiệm nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng, trừ khả năng bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016.

Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh:  Thanh Hải

Muốn đẩy mạnh XK, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại chiếm vị trí quan trọng. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại cũng đạt kết quả tốt, quan hệ hợp tác giữa cộng đồng DN hai nước được thúc đẩy. Hai bên đã trao đổi các văn kiện hợp tác đã ký kết lên đến 12 tỷ USD, trong đó có nhiều giấy phép đầu tư công nghiệp chế tạo, thiết bị. Bên cạnh đó đẩy mạnh XK các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang Hoa Kỳ như dệt may, da giày, thủy hải sản... Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Bộ Công Thương cam kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng DN hai nước tăng cường hợp tác, phát huy những thành quả, triển khai những cam kết, những hợp đồng được ký kết sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tới Hoa Kỳ.

Chưa tăng giá điện, kiểm soát mặt hàng thiết yếu

Mặt hàng điện là đầu vào của nhiều mặt hàng, ảnh hưởng từ sản xuất, kinh doanh đến đời sống tiêu dùng của người dân, vì vậy, Chính phủ yêu cầu việc tăng giá cần phải được tính toán. “Giá điện, nước, giáo dục, y tế… có thể xem xét thực hiện theo lộ trình, nhưng cần tính toán liều lượng, thời điểm phù hợp. Không thể chủ quan trong điều hành giá mà phải tính toán khoa học, hợp lý, vừa không gây lạm phát, vừa phục vụ tăng trưởng” -Thủ tướng nhấn mạnh. “Năm 2017, với sự phát triển của kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên đến nay, Chính phủ có chỉ đạo trước mắt chưa xem xét tăng giá điện. Nếu có đề xuất tăng giá thì Bộ Công Thương xem xét kỹ lưỡng và đánh giá kỹ tác động tăng giá của điện với các mặt hàng khác, liên quan đến tăng trưởng và CPI” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Tương tự như điện, mặt hàng xăng dầu hiện nay đang tiến dần đến việc vận hành của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là phần trích từ mỗi lít xăng, dầu tạo ra nguồn quỹ để tránh những “cú sốc” cho nền kinh tế, người tiêu dùng và DN khi thị trường xăng dầu nước ngoài có sự tăng giá đột ngột.

Về đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thêm, khung thuế hiện nay là từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Bộ Tài chính dự kiến báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tăng khung thuế. “Khi xem xét tăng khung thuế môi trường với xăng dầu, Bộ tính toán đến nhiều yếu tố tác động như tăng khung thuế môi trường với xăng dầu giúp tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về mức 0%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu của Việt Nam hiện thấp nhất trong các nước có chung đường biên giới, qua đó góp phần quản lý xăng dầu, hạn chế buôn lậu. Ngoài ra còn xem xét về lợi ích của DN, của người dân và tác động đến lạm phát” - đại diện Bộ Tài chính giải thích và báo cáo, tính đến hết tháng 5/2017, thu ngân sách Nhà nước đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%, ước đạt 481,27 nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đã có nhiều khoản thu ngân sách Nhà nước đạt khá so với tiến độ và cùng kỳ năm trước.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng tập trung vào công tác xây dựng thể chế về kết thúc thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013 - 2017; đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông… Chính phủ đã quyết định miễn visa điện tử cho du khách các nước Tây Âu. Chính phủ cũng quyết định miễn học phí mầm non cho trẻ 5 tuổi ở vùng khó khăn từ năm học 2018…


Về vấn đề cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Grab, Uber, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nêu rõ đã yêu cầu hãng Uber, Grab phải thực hiện đúng những quy định về điều kiện kinh doanh về GTVT như các hãng taxi khác. Yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này chỉ được cung cấp cho các DN có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như là các điều kiện ràng buộc khác.