70 năm giải phóng Thủ đô

Xét xử vụ án địa ốc Alibaba

Phiên toà có nhiều bị hại nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/12, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” do 23 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty con của công ty này gây ra.

Số tiền các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt được xác định hơn 2.264 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (hàng đầu, bên phải) cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/12.  
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (hàng đầu, bên phải) cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/12.  

Trong 23 bị cáo, Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, được xác định cầm đầu cùng 19 bị cáo khác bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, có mức án từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. 

Còn 2 bị cáo gồm: Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện) cùng Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện) bị xét xử cả 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và tội “Rửa tiền” theo khoản 3 điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, có mức án từ 10 - 15 năm tù.

Riêng bị cáo là Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị truy tố tội “Rửa tiền”.

Trong vụ án này, bị cáo Thanh Mai đang nuôi con nhỏ, bị cáo Kim Thắng đang điều trị ung thư tuyến giáp nên cả 2 được tại ngoại.

Bào chữa cho 23 bị cáo, có 36 luật sư thuộc các đoàn luật sư trên cả nước.

Anh Lương Thanh Hải, một trong 3.986 nạn nhân của Công ty Alibaba.  
Anh Lương Thanh Hải, một trong 3.986 nạn nhân của Công ty Alibaba.  

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Minh Châu và thẩm phán Phạm Viết Hùng, 2 thẩm phán dự khuyết là Nguyễn Văn Hà và Đoàn Thị Hương Giang. Hội thẩm Nhân dân gồm các ông, bà: Huỳnh Trường Sơn, Võ Thị Nam và Lê Giáo. Đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh tại phiên tòa là các kiểm sát viên: Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền, Châu Hoàng Sơn và 3 kiểm sát viên dự khuyết.

Trong buổi sáng, sau phần thẩm tra lý lịch các bị cáo, chủ tọa phiên tòa điểm danh những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo báo cáo của thư ký tòa, chỉ có 10 trong số 125 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các cá nhân, tổ chức, các ngân hàng… đến dự tòa.

 

20 bị cáo bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Nguyễn Thái Luyện (SN 1985), Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), Trương Thị Hồng Ngọc (SN 1989), Nguyễn Văn Kiên (SN 1981), Bùi Minh Đức (SN 1981), Trần Huy Phúc (SN 1989), Nguyễn Trung Trường (SN 1992), Vi Thị Hiến (SN 1993), Nguyễn Quang Sơn (SN 1985), Nguyễn Trần Phúc Nguyên (SN 1990), Vũ Hoàng Hải (SN 1990), Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1991), Trịnh Minh Pháp (SN 1988), Trang Chí Linh (SN 1991), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992), Đào Thị Thanh Lợi (SN 1994), Nguyễn Lê Hoàng Lan (SN 1991), Võ Văn Trần Quang (SN 1998), Phan Ngọc Nguyên (SN 1994), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, đã bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên 4 năm 6 tháng trong 1 vụ án khác).

2 bị cáo bị xét xử 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, gồm: Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị xử tội “Rửa tiền”.

Chủ tọa cũng cho biết, do số lượng bị hại quá đông, lên tới 3.986 người bị lừa tại 58 dự án do các bị cáo Công ty Alibaba lập ra tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Do đó, HĐXX mời các bị hại của từng nhóm dự án đến tòa để xét hỏi từ ngày 13/12 đến 19/12. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại có 5 luật sư, và 1 luật sư tham gia bảo vệ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.

Thời gian xét xử phiên tòa sơ thẩm dự kiến kéo dài 1 tháng, từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.

Trước khi diễn ra phiên xét xử, từ sáng công tác an ninh tại các tuyến đường xung quanh trụ sở TAND TP được thắt chặt. Tất cả mọi người trước khi vào phòng xét xử, phải qua cổng soi kim loại và phải nộp điện thoại di động để cán bộ niêm phong, tạm giữ.

Do số bị hại lên tới 3.986 người nên tòa án đã che bạt lớn ngay tại sân tòa để bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phóng viên báo đài ngồi xem và nghe việc xét xử qua màn hình lớn.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đứng lên khi chủ tọa điểm danh.  
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đứng lên khi chủ tọa điểm danh.  

Có mặt từ sáng sớm, anh Lương Thanh Hải (SN 1974, ngụ TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh bị lừa 600 triệu đồng, mua 3 nền đất tại dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City ở tỉnh Bình Thuận. Mặc dù tòa án mời anh vào ngày 19/12 tới đây, nhưng vì sợ mất quyền lợi nên hôm nay anh Hải đến tòa để nghe.

“Nhà tôi ở quận 9 - nay là TP Thủ Đức, tôi biết Công ty Alibaba vì họ có quá nhiều nhân viên giới thiệu sản phẩm. Sau khi được họ giới thiệu, đưa ra những cam kết như: Nếu đã nộp 95% tổng số tiền mua nền đất, sau 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng nếu mình không thích ở thì Công ty Alibaba sẽ mua lại chênh lệch đến 38%. Nếu đã mua được 15 tháng thì họ mua lại chênh lệch đến 48%, vì cho rằng có lãi nên từ ngày 20/6/2019 tôi mua 3 nền đất với giá 200 triệu đồng/nền. Đến khi vừa nộp xong 95% tổng số tiền mua nền đất thì ngày hôm sau các đối tượng trong Công ty Alibaba bị bắt” - anh Hải cho biết.

 

Công ty Alibaba được cấp giấy chứng nhận vào ngày 5/5/2016, với vốn điều lệ đăng ký 1 tỷ đồng; trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Đến ngày ngày 26/9/2017, thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỷ đồng, do Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc, các cổ đông gồm: Nguyễn Thái Lĩnh (49,5%); Nguyễn Thái Luyện (anh trai Lĩnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành (1%), Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) giữ 49,5%.

Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo lập thêm 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải… Giám đốc các công ty là người thân trong gia đình Luyện (gồm: em ruột, vợ và một số thân nhân khác). Các công ty được Luyện lập ra để cùng đồng phạm làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Luyện đưa ra các thông tin không có thật về 58 “dự án” do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp.