Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim “Đi về miền đất lạnh”: Ấm áp tình đồng đội

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đi về miền đất lạnh” sẽ phát sóng trên VTV đặc biệt vào tối 22/7, tiếp nối mạch phim về những người trở về đau đáu lời hứa tìm đồng đội đang nằm lại đất mẹ.

“Anh về đây rồi, con tôi đâu?”
Điều thú vị về nhân vật chính trong phim – chiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Bản ở chỗ ông từng là chiến sĩ quân y tại chiến trường Tây Ninh, 5 lần bị báo tử rồi một ngày đột ngột trở về. May mắn trở về nhưng người lính ấy cứ day dứt mãi với những câu hỏi của các bậc cha mẹ bạn thân cùng nhập ngũ: “Anh về đây rồi, con tôi đâu”. Mấy chục năm qua, bác sĩ Trần Văn Bản lặn lội vào lại khu tam giác sắt (Củ Chi - Tây Ninh - Bình Dương) để đưa đồng đội trở về.
“Mang đồng đội về, chưa kịp chôn cất trong nghĩa trang thì ông sẽ nâng niu, bọc bộ hài cốt đồng đội lại cất trên gác xép của chính ngôi nhà mình ở. Ông nghĩ “đồng đội mà, mình đem bạn về thôi chứ có gì đâu mà phải sợ”.
Cứ thế, biết bao bộ hài cốt của đồng đội được giữ trang trọng trên căn gác xép trước khi hoàn tất thủ tục đăng ký chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ. Đó là một trong những chi tiết khiến tôi xúc động” - đạo diễn Bùi Thị Hồng Điệp chia sẻ.
 Cảnh quay trong chương trình VTV đặc biệt ''Đi về miền đất lạnh'' phát sóng ngày 22/7.
“Đi về miền đất lạnh” vốn là đề tài của đạo diễn Đặng Hồng Giang theo đuổi từ lâu. Sau anh đề xuất hợp tác với Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam và đạo diễn Bùi Thị Hồng Điệp được giao phối hợp sản xuất.
Tựa phim dựa theo tâm tư của nhân vật chính - bác sĩ, cựu binh Trần Văn Bản: Khi biết ở đâu còn đồng đội nằm mà chưa tìm được hài cốt các anh thì cảm giác đất đó lạnh lẽo lắm. Nhưng khi tìm được rồi thì đất ấm trở lại liền. Ở đâu còn đất lạnh tức là còn liệt sĩ đồng đội đang nằm, sẽ còn đi, còn tìm kiếm cho đất, cho lòng người, tình người ấm lên.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang từng làm phim tài liệu ra rạp “Lửa Thiện Nhân”, là người chịu khó đeo bám các đề tài truyền cảm hứng. Trong đợt giao lưu ra mắt sách “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” do Nguyễn Thị Ngọc Hải chắp bút từ hồi ức của bác sĩ Trần Văn Bản, đạo diễn Hồng Giang biết chi tiết thú vị hơn về hành trình tìm hài cốt liệt sĩ nhưng chưa có trong cuốn sách.
Hòa giải từ hai phía
Phim khởi quay từ năm 2017 nhưng mãi tới giờ mới hoàn thiện. Sở dĩ có sự chậm trễ này vì cả nhà làm phim lẫn nhân vật chính đều chờ đợi một cuộc hội ngộ lớn. Nhiều năm nay, bác sĩ Trần Văn Bản vẫn không ngừng quay lại vùng đất Tây Ninh để tìm lại ba chục đồng đội ở trung đội cũ đã hy sinh.
Ông nghe nói, sau một trận càn dữ, cả trung đội mất tích tới nay chưa tìm được hài cốt. Nhiều lần ông được báo tin, mừng mừng tủi tủi tới nơi nhưng rồi đào lên lại lấp xuống trong thất vọng.
Chưa hoàn thành tâm nguyện lớn ấy nhưng trong hành trình đưa hàng nghìn đồng đội trở về, bác sĩ Trần Văn Bản lại có hành động xúc động khác. Có lần, ông đào được hài cốt của một người lính cộng hòa. Người ta khuyên ông nên lấp lại nhưng cứ day dứt với suy nghĩ “ai cũng có cha có mẹ”, ông quyết tìm bằng được địa chỉ của gia đình người lính kia và trao trả. Hành động của ông từ nhiều năm trước chính là biểu hiện của sự hòa giải dân tộc. Sau chiến tranh, sự chia cắt về tình cảm, văn hóa vùng miền cũng dần dần cần được chữa lành. 
Cái hay của bộ phim ở chỗ, nỗ lực hòa giải không tới từ một phía.
Trong quá trình đi lại vùng tam giác sắt, bác sĩ Trần Văn Bản tình cờ biết tới vợ chồng ông Út Châu sinh sống ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Hai vợ chồng họ thờ nhiều đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ. Đặc biệt ở chỗ, ông Út Châu xưa từng bị bắt đi lính cộng hòa, sau tìm cách hủy cánh tay để được về quê làm ăn. Theo lời đạo diễn Đặng Hồng Giang, cánh tay ông giờ như cái đọt khoai. Mỗi lần phát hiện dấu vết của bộ đội cụ Hồ hy sinh lại cùng gia đình đào xới, tìm kiếm. Họ đem những chiếc dép chưa có chủ nhân kia về thờ cúng.
“Đề tài khai thác của bộ phim “Đi về miền đất lạnh” có lẽ không phải chỉ để dành cho ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là một câu chuyện có thể phát sóng ở bất kỳ một thời điểm nào trong năm, bởi vậy bộ phim mới đặc biệt. Là đạo diễn thế hệ 8X nhưng tôi được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người lính cụ Hồ, thế hệ thanh niên xung phong. Tôi nghĩ rằng thế hệ của họ có một không hai.
Sự lạc quan và tinh thần yêu nước khiến họ xứng đáng là anh hùng. Câu chuyện “Đi về miền đất lạnh” giúp cho các bạn trẻ có được những bài học trong cuộc sống. Mối hận thù, vết thương chiến tranh đau đớn là thế nhưng họ lại xoa dịu được bởi họ hiểu ý nghĩa quan trọng của hai tiếng hòa bình” - đạo diễn Hồng Điệp nói.
Dẫu còn tiếc nuối chưa thể có cái kết trọn vẹn hơn nhưng đạo diễn Đặng Hồng Giang cho rằng: Những người làm phim chưa dừng lại ở đây. Họ còn tiếp tục đi, còn tìm kiếm để làm đất ấm dần lên bằng tình đồng đội, tình người.