Gần đây, trong giới điện ảnh xôn xao sự việc phim “Vị” đoạt giải cao tại liên hoan phim (LHP) Berlin nhưng bị cấm chiếu tại Việt Nam vì những hình ảnh nude kéo dài 30 phút. Thành viên hội đồng thẩm định và phân loại phim đánh giá, vấn đề ở phim “Vị” không chỉ nằm ở những cảnh nude mà còn ở hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xuất hiện một cách bệ rạc, khó hiểu. Người xem không thấy được sự mạnh mẽ, vươn lên của nhân vật mà chỉ thấy bế tắc, nhỏ bé.Phim “Vị” không phải trường hợp đặc biệt của Việt Nam. Trước “Vị”, phim “Ròm”, cũng được đưa đi dự thi ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến ở trong nước. Tại LHP Quốc tế Busan 2019, “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy giành giải thưởng cao nhất - New Currents. Trước khi tham dự giải, bộ phim cũng từng gây tranh cãi về cấp phép. Một trường hợp khác là “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh trước khi ra mắt khán giả trong nước cũng từng giành nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế. Tuy nhiên khi chiếu ở Việt Nam, “Vợ ba” vấp phải phản ứng của khán giả khi để diễn viên 13 tuổi đóng một số cảnh nhạy cảm. Do áp lực dư luận, nhà sản xuất rút phim khỏi rạp sau bốn ngày công chiếu. Nhà sản xuất phim cũng đã bị phạt 50 triệu đồng vì Cục Điện ảnh phát hiện bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định.Trước thực tế nhiều bộ phim đạt giải tại các LHP quốc tế nhưng bị cấm phổ biến tại Việt Nam, đạo diễn Phan Đăng Di (tác giả của phim “Bi, đừng sợ” từng đạt nhiều giải tại LHP quốc tế) chia sẻ: Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc phim đạt giải nhưng bị cấm phổ biến ở Việt Nam là do tư duy của những người làm quản lý điện ảnh đang có một độ “vênh” với thế giới. Ở các LHP như vậy tất cả giới hạn của sáng tạo, tự do biểu đạt được đẩy lên tận cùng. Vì thế, tất cả xu hướng, sáng tạo đều được chấp nhận ở những LHP kể trên. Chúng ta cần hiểu đó là những nơi nói lên xu hướng của điện ảnh, những điều được cả thế giới quan tâm”.Đạo diễn Phan Đăng Di cũng chia sẻ rằng, ở những LHP lớn, một bộ phim để được giải cao cần những tiếng nói đặc biệt, thách thức những quan điểm chung. “Với tư duy của một số người trong hội đồng duyệt thì sẽ nói là đi ngược với thuần phong mỹ tục. Chúng ta nên hiểu, sự sáng tạo của người nghệ sĩ luôn có những huyễn tưởng, để biểu đạt đúng ý đồ họ muốn, đây là điều cả thế giới chấp nhận” - đạo diễn Phan Đăng Di cho hay.Ngăn cấm "vượt rào"Những tranh luận ngầm, gay gắt giữa cơ quan chức năng quản lý cấp phép phổ biến phim và quan điểm của những nhà làm phim trẻ trong giới điện ảnh chưa có hồi kết. “Di chứng” để lại là việc vẫn có nhiều đơn vị làm phim “vượt rào”, đưa tác phẩm của mình đến các LHP quốc tế.Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ, phim Việt Nam dự các liên hoan quốc tế ít nhiều để lại ấn tượng về văn hóa, con người Việt Nam với khán giả quốc tế, nhưng chủ yếu là ấn tượng về sự u tối. Một số người làm điện ảnh chia sẻ rằng: Nếu chúng ta có khả năng làm ra một bộ phim u tối nhưng xuất sắc thật sự thì rõ ràng không có lý do gì không ủng hộ. Tiếc là các nhà làm phim của ta hiện nay không có khả năng làm điều đó, ít nhất là vào thời điểm này. Mặc khác, có thành viên hội đồng thẩm định đề xuất nên chiếu phim “Vị” cho một số đối tượng hạn hẹp để nghiên cứu, tham khảo một cách làm phim, tuy nhiên Luật Điện ảnh chưa có quy định cho phép phát hành hạn chế. Nói dễ nhưng khó làm, bởi khi cấp phép phổ biến phim hạn chế sẽ đè nặng lên nhà quản lý địa phương trong hậu kiểm, cho nên đề xuất này chưa thể sớm đưa vào luật.Ở góc độ chuyên môn, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng: “Hội đồng nào thì giải thưởng ấy, thang giá trị khác nhau. Có nhiều phim được giải quốc tế chưa chắc được hội đồng trong nước đánh giá cao, bởi mỗi nền văn hóa có giá trị chuẩn mực khác nhau”. Vì thế, để đi đến mục tiêu cuối cùng của một phim là tìm đến sự đồng cảm của công chúng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông trong một cuộc họp gần đây đã nhấn mạnh: “Đối với những bộ phim phạm luật như "Vị", "Ròm"... cần phải tăng cường biện pháp xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe. Những quyết định xử phạt hành chính vài chục triệu đồng đối với một vi phạm lớn là quá nhẹ”. Đồng thời, các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với những tác phẩm điện ảnh “vượt rào” cũng mới thực thi đối với nhà sản xuất, phát hành, trong khi các thành phần sáng tạo lại chưa bị xử lý. Những kẽ hở này cần được lấp đầy bằng luật định. Các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá thực tế và có giải pháp ngăn chặn.