Phim tài liệu ngày càng chạm đến cảm xúc người xem

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, bằng sự yêu nghề cũng như quyết tâm theo đuổi ước mơ của những nhà làm phim, mảng phim tài liệu ngày càng trở nên khởi sắc. Nhiều phim tài liệu có kịch bản chất lượng, nội dung bám sát vấn đề thời sự, truyền tải những câu chuyện giàu cảm xúc đã thu hút sự quan tâm của khán giả.

Nhiều tác phẩm chất lượng

Không giống như phim thương mại tạo nên cơn sốt tại các phòng vé và có doanh thu nghìn tỷ, phim tài liệu kén người xem và có ít doanh thu. Bù lại trong thời gian qua, phim tài liệu có nhiều tác phẩm gây tiếng vang với những câu chuyện giàu cảm xúc và tỏa sáng ở sân chơi quốc tế.

Trong đó, không thể không nhắc tới bộ phim “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Bộ phim đã trở thành "bom tấn" khi chuyển tải những hình ảnh lịch sử tại bệnh viện.
 Đoàn làm phim ''Ranh giới'' trong quá trình tác nghiệp. Ảnh: VTV.

Cùng với đó, trong dịch Covid-19, nhiều phim tài liệu đã ra đời và chạm vào cảm xúc khán giả như “Chuyện ở thành phố thức” (3 tập) lần lượt kể câu chuyện của lực lượng chống dịch làm việc trong đêm, câu chuyện thở của bệnh nhân nhiễm Covid-19 và việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. “Dã chiến”, “Ngày về và Hậu phương” là câu chuyện về những số phận ở Bệnh viện dã chiến số 6. “Cuộc chiến không giới hạn”, “Cùng nhau vượt qua đại dịch”, “Lựa chọn của tôi”... mang đến góc nhìn đa chiều về cuộc sống mùa dịch với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả sự sẻ chia ấm áp.

Mặt khác, có những dự án chỉ vừa mới hoàn thành trong năm 2021, trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến như: “Đại thi hào Nguyễn Du” của Công ty CP không gian văn hóa Việt Media; “Người Vân Kiều, Pa Cô thương nguồn nhớ cội” của Trung tâm văn hóa, điện ảnh Quảng Trị; “Về đâu những cánh chim trời” của Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam; “Xứ Huế và Áo dài” của Đài PTTH Thừa Thiên Huế và TTVH Điện ảnh Thừa Thiên Huế.
 Phim tài liệu ''Đại thi hào Nguyễn Du'' đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho phim tài liệu nghệ thuật.

Trong đó, nhiều nhà làm phim dành lời khen cho tác phẩm “Đại thi hào Nguyễn Du” khi đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho phim tài liệu nghệ thuật. Để có được những thước phim sống động, sát với lịch sử, đoàn làm phim rất công phu trong việc thu thập tư liệu. Chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi mà đoàn đã may mắn tìm thấy những tài liệu quý giá và khi đưa lên phim đã khiến người xem bất ngờ.

Với vai trò là nhà sản xuất, TS Phạm Xuân Mừng chia sẻ: Xác định bộ phim như một kênh tư liệu, chúng tôi muốn giúp học sinh, sinh viên, công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về tài năng sáng tạo ngôn từ của Nguyễn Du, đưa “Truyện Kiều” đến gần hơn với công chúng bằng ngôn từ thuần Việt trong sáng, dễ hiểu.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho rằng, phim tài liệu hiện nay đã đến gần khán giả hơn, nội dung phong phú, thời lượng của phim đa dạng hơn, khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác cũng được mở rộng hơn. Đồng thời, nhiều bộ phim có cách làm mới lạ độc đáo, học hỏi và áp dụng cách làm phim quốc tế, có những bộ phim chọn hình thức không lời bình để truyền tải tư tưởng chủ đề thông qua hiện thực đời sống nhân vật.

Bệ phóng cho phim tài liệu

Thời gian qua, ngoài phát sóng trên truyền hình, một số bộ phim tài liệu như “Chuyện ngày hôm qua” đã được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư. Trước đó các bộ phim như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”, “Đáng sống”... cũng đã mạnh dạn ra rạp.

Không chỉ thành công ở trong nước, phim tài liệu Việt Nam còn đang tạo ra những dấu ấn tại các LHP quốc tế. Tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, đạo diễn Hà Lệ Diễm (SN 1991) đạt giải “đạo diễn xuất sắc nhất” và giải đặc biệt của Ban Giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay với bộ phim “Những đứa trẻ trong sương”. Niềm vui tiếp nối, bộ phim tài liệu “Mùa Xuân vĩnh cửu” của đạo diễn Việt Vũ vừa chiến thắng giải Grand Prix Documentary Short tại LHP Quốc tế Cork lần thứ 66 tổ chức ở Ireland. Giải thưởng ở sự kiện này mở ra cơ hội cho “Mùa Xuân vĩnh cửu” nhận đề cử cho “Phim tài liệu ngắn xuất sắc” tại giải Oscar 2022.

Với vai trò là giám khảo hạng mục phim tài liệu - khoa học tại LHP Việt Nam lần thứ XXII, đạo diễn Đặng Thái Huyền nhìn nhận: Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tôi cũng như các giám khảo khác đều rất vui vì chất lượng các tác phẩm phim tài liệu không hề sụt giảm mà còn rất thăng hoa, sáng tạo; đa dạng, nhiều màu sắc về đề tài, nội dung, cách thể hiện.

Bên cạnh việc đổi mới về đề tài, nội dung, NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư cho hay: Các nhà làm phim phần nào đã làm tốt vai trò là những người chép sử bằng hình ảnh, dấn thân vào những đề tài nóng, những vấn đề mang tính thời đại. Đồng thời, các nhà làm phim cố gắng không sử dụng lời bình mà dùng lời kể, hoặc phỏng vấn, dùng hình ảnh để kết nối mạch câu chuyện, tuy không mới với thế giới nhưng với chúng ta thì ít nhiều đã thấy sự khác so với cách làm trước đó. Đa phần các bộ phim không sử dụng lời bình đều mang lại một gia vị mới, làm phong phú thêm món ăn quen thuộc của khán giả.

Thời gian tới, để phim tài liệu phát triển mạnh mẽ hơn, các nhà làm phim cho rằng rất cần đầu tư bồi dưỡng chuyên môn cho những nhân tố tài năng, đam mê với phim tài liệu và cần tạo cơ hội, khuyến khích họ đến với nghề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần