Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”: Sáng tỏ tầm vóc danh nhân thế giới

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du”, đầu tư 15 tỷ đồng bằng nguồn tiền xã hội hóa, vừa được công bố phần 1 mang tên “Gia thế và tuổi thơ”.

Phim có sự tham gia của đội ngũ cố vấn là các chuyên gia nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời đoàn làm phim cũng lắng nghe những góp ý của khán giả để mong muốn tái dựng hình tượng nhà văn hóa không chỉ của Việt Nam mà của thế giới.
Cách làm phim tư liệu mới

Các thước phim “Đại thi hào Nguyễn Du” được dựng lại một cách sáng tạo chứ không chỉ dùng hình ảnh tư liệu cũ. Theo TS Vương Trọng – thành viên ban cố vấn bộ phim: “Phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du làm theo thể loại hoàn toàn mới, tư liệu nghệ thuật, hay nói cách khác là tư liệu truyện”. “Gia thế và tuổi thơ” là phần đầu trong tổng số 3 phần bộ phim tài liệu nghệ thuật về cuộc đời của Nguyễn Du. Phim sử dụng một số cảnh tái tạo, phục dựng từ máy tính nên có phần thiếu thực tế, tuy nhiên đã phần nào giúp khắc họa, lý giải một cách sinh động và hợp lý thời gian đầu đời của đại thi hào.
 Cảnh quay trong phim tài liệu nghệ thuật ''Đại thi hào Nguyễn Du''.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn - biên kịch bộ phim cho biết, 2 tập đầu tiên khắc họa cuộc đời thi sĩ từ khi sinh ra đến khi 15 tuổi. Lớn lên trong gia đình nền nếp, gia giáo có cha là tể tướng triều đình Nguyễn Nghiễm, ông có được sự dạy dỗ giản dị, thường ngày của mẹ cả - bà Đặng Thị Dương và mẹ ruột - bà Trần Thị Tần. Đặc biệt, mẹ ruột chính là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thương cảm, xót xa mà ông dành cho người phụ nữ trong các sáng tác sau này, nhất là Truyện Kiều.

Về cơ sở xây dựng kịch bản, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho biết, nội dung, lời thoại trong phim được lấy từ tư liệu của gia phả, một phần là sáng tạo thêm trên cơ sở tâm thức và đạo lý của gia đình người Việt. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết đây là phim tài liệu nên các chi tiết vẫn phải mang tính xác thực cao. Phim dựa trên hai hệ thống nhân vật: Tuyến đầu tiên là những người thân sống quanh Nguyễn Du trong đời thực, tuyến thứ hai là những “người con tinh thần” trong hệ thống của Truyện Kiều. Cũng theo TS Vương Trọng, mỗi người Việt đều có Nguyễn Du ở trong lòng, họ cảm và nhớ về ông theo một cách khác nhau. Chính vì vậy, mong muốn của đoàn làm phim là giúp người xem tiếp nhận mềm mại, uyển chuyển, để từ các nhân vật trong phim có thể rút ra cho mình cái gì đó.

Làm phim từ nguồn tiền xã hội hóa

“Đại thi hào Nguyễn Du” được đầu tư với kinh phí lên đến 15 tỷ đồng bằng nguồn tiền xã hội hóa. “Đoàn làm phim ai có tiền bỏ tiền, ai có công bỏ công, chung tay góp sức và quyết tâm thực hiện phim” - TS Phạm Văn Mừng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng là nhà đầu tư cho bộ phim, bày tỏ. Rõ ràng đây là một minh chứng cho cách làm hay về việc kêu gọi nguồn tiền đầu tư của tư nhân cho nghệ thuật.

Các tác giả kịch bản dưới sự chủ biên của tác giả Trần Đình Tuấn và đạo diễn Nguyễn Văn Đức đã dành nhiều thời gian, tâm sức thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”. Đoàn làm phim mong muốn làm sao để thế giới hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, về một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, người đã đưa Truyện Kiều thành tác phẩm văn học bất hủ.

Sau 2 năm bấm máy, phần 1 bộ phim mang tên “Gia thế và tuổi thơ” gồm 2 tập với độ dài khoảng 70 phút vừa công chiếu buổi đầu tiên tại Hà Nội. Trước đó, đoàn làm phim đã tổ chức công chiếu tại Hà Tĩnh (quê hương của đại thi hào Nguyễn Du). “Mục đích của chúng tôi cũng là để làm sao tạo dựng được một bộ phim chân thực nhất, thể hiện hết tài năng và đức độ của đại thi hào Nguyễn Du” – TS Phạm Xuân Mừng cho biết. Cũng theo TS Phạm Xuân Mừng đoàn phim dự kiến hoàn thành phần 2 (Phong trần và thơ ca) và phần 3 (Truyện

Kiều và lan tỏa), mỗi phần 2 tập vào năm 2021.