Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Tết xưa, phim Tết nay

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tết luôn là dịp khán giả có tâm lý, nhu cầu muốn đến rạp để xem phim giải trí. Tuy nhiên, phim Tết nay chỉ để lại ấn tượng cho công chúng bởi doanh thu phòng vé, ít tạo ra dấu ấn cảm xúc với người xem như phim Tết xưa.

Xem phim Tết thời nay

Năm nào cũng vậy, Tết đến, thị trường phim Tết Việt lại nhộn nhịp. Người người đổ ra rạp xem phim với đủ sự lựa chọn, nhiều nhất là phim hài, phim tâm lý, cho tới hành động, hoạt hình, thậm chí còn có phim kinh dị.

Khán giả xem phim tại rạp. Ảnh: Minh An
Khán giả xem phim tại rạp. Ảnh: Minh An

Những năm gần đây, phim Tết đa dạng hơn. Trước khi phim ra rạp vài tháng, review phim đã tràn ngập trên báo, mạng xã hội, fanpage; poster phim được trưng khắp các rạp. Cùng với đó, diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng được mời đi xem những buổi chiếu sớm để tăng sức hút đối với khán giả. Chính từ hiệu ứng quảng cáo, marketing, kỹ thuật - kỹ xảo hiện đại, phim Tết bây giờ được khơi gợi được sự tò mò, đánh vào thị hiếu khán giả, góp phần đem tới những bộ phim có doanh thu “trăm tỷ”.

Điển hình cho sự thành công về doanh thu của phim Tết ngày nay là phim “Nhà bà Nữ” do Trấn Thành làm đạo diễn. Phim ra rạp vào mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sau 11 tuần trình chiếu tại thị trường nội địa, “Nhà bà Nữ” đạt 5,8 triệu vé bán ra thu về 475 tỷ đồng. Trước đó, hàng loạt bộ phim như “Bố già” cũng đạt gần 400 tỷ đồng vào Tết 2021; “Gái già lắm chiêu 3” đạt 165 tỷ đồng, Tết 2020; “Cua lại vợ bầu” đạt 191,8 tỷ đồng Tết 2019; “Siêu sao siêu ngố” đạt 109 tỷ đồng, Tết 2018.

Còn năm nay, cả 3 phim Việt gồm: “Mai” của đạo diễn Trấn Thành, “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung và “Sáng đèn” của Hoàng Tuấn Cường đều công bố lịch ra rạp vào ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn (tức ngày 10/2/2024). Theo những thông tin đã tiết lộ, có thể thấy “Mai” và “Gặp lại chị bầu” đang đi theo công thức thành công của chính các phim trước đó do họ từng thực hiện, khi mô típ phim, ê kíp sản xuất, dàn diễn viên, những cảnh quay lãng mạn, lời thoại đậm chất ngôn tình… của phim mới đều đem lại cảm giác “bình mới rượu cũ”.

Trấn Thành tiếp tục mang nguyên dàn diễn viên quen thuộc trong các phim trước như Tuấn Trần, NSND Ngọc Giàu, Quốc Khánh trong phim “Bố già”; NSND Việt Anh, Uyển Ân, Quỳnh Lý, Khả Như trong phim “Nhà bà Nữ”, còn bản thân Trấn Thành tiếp tục vào vai ông già hoặc người lớn tuổi như trong các web-drama… để dễ nói những câu thoại mang tính đạo lý, dạy làm người.

Anh Phạm Văn Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nội dung phim Tết nay gây tò mò, hình ảnh lẫn diễn viên đều đẹp nhưng không nhìn thấy cái gọi là không khí Tết đâu cả. Trong phim, chẳng thấy nồi bánh chưng, chẳng thấy gia đình quây quần bên nhau, mà tất cả thay vào đó là những tình tiết tạo drama, những mảng miếng hài vô tri, hay những mối quan hệ yêu đương phức tạp”.

Nhớ phong vị phim Tết xưa

Cách đây vài chục năm, khi số lượng phim Tết không nhiều, phim thường nhận được sự quan tâm không nhỏ của công chúng, thậm chí còn được nhà đài phát đi phát lại nên hầu như khán giả xem phim nào là sẽ nhớ như in phim đó.

“Tết này ai đến xông nhà” của đạo diễn Trần Lực là một bộ phim để lại nhiều ấn tượng với khán giả.
“Tết này ai đến xông nhà” của đạo diễn Trần Lực là một bộ phim để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Với nhiều khán giả, “Tết này ai đến xông nhà” của đạo diễn Trần Lực là một bộ phim để lại nhiều ấn tượng nhất. Ra mắt năm 2002, phim "Tết này ai đến xông nhà" được xem là một trong những bộ phim hài Việt đầu tiên khai thác chủ đề ngày Tết. Phim xoay quanh nhân vật Thi, một chàng kỹ sư gần 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình, luôn ao ước được kết duyên cùng người đẹp. Một lần, anh bị một cô gái đeo khẩu trang va vào xe ở trạm xăng và được đền 100 USD. Rung động trước dáng vẻ thanh thoát, giọng nói duyên dáng, anh quyết định đi tìm cô và gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Cùng với “Tết này ai đến xông nhà”, bộ phim “Quà năm mới” do Hãng phim truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2000; “Vị khách lúc giao thừa” năm 1997… cũng để lại nhiều ấn tượng với khán giả về sự đầm ấm của tình người, của những khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ qua năm mới. Điều này có nét giống với hình ảnh nhiều gia đình Việt cùng nhau quây quần quanh ti vi xem “Táo quân” vào tối ngày Giao thừa.

Dễ nhẫn thấy, khác với những bộ phim Tết thời nay, thường tập trung khắc họa sự xung đột cười ra nước mắt giữa các yêu tố tân – cổ; hay tìm kiếm sự độc lạ với nhưng phim kinh dị như “Tết ở làng địa ngục”, “Quỷ cẩu”… thì phim Tết xưa lại thường hướng tới việc khẳng định giá trị nền tảng của ngày Tết cổ truyền, dịp để mọi người thuộc mọi địa vị, mọi nghề nghiệp, lứa tuổi bỏ qua những định kiến và rào cản xã hội để đến gần nhau hơn.

Những năm 2000, phim Tết có sự cạnh tranh nhiều hơn, phim hay cũng nhiều, những phim dở cũng không thiếu, có thể kể ra một vài phim còn gợi nhớ như “Nụ hôn thần chết” năm 2008 của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và “Cô dâu đại chiến” năm 2011 của đạo diễn Victor Vũ.

Dù vẫn biết, phim Tết không nhất thiết phải mang không khí Tết. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất mải chạy theo lợi nhuận, doanh thu phòng vé cũng phim Tết không còn giữ được phong vị như xưa.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, doanh thu trăm tỷ đồng là mơ ước của nhiều nhà sản xuất phim Việt nhưng không phải bộ phim nào cũng có chất lượng tốt, ngược lại còn gây nhiều tranh cãi, rất nhiều phim mang nặng tính kịch, sân khấu. Phim trăm tỷ thường có công thức chung là gương mặt phòng vé, yếu tố hài hước, lịch chiếu tốt, và tập trung chi phí vào truyền thông nhằm đẩy mạnh các yếu tố xung quanh bộ phim mà không thuộc nội dung chính thức của bộ phim. Thực tế cho thấy, nhà sản xuất phim bản chất là các doanh nghiệp tư nhân nên không ai có thể mạo hiểm vì thế dẫn đến không muốn đổi mới, ngại tìm tòi, chấp nhận làm những phim ăn xổi.