Từ kịch bản, tạo hình…
Một chuyên gia điện ảnh nhận định, phim truyền hình Việt đang mắc nhiều "căn bệnh" và diễn biến ngày càng trầm trọng. Những hạt sạn trong các bộ phim được công chiếu trong thời gian gần đây khiến công chúng không khỏi ngao ngán. Nếu bóc tách từng yếu tố làm nên bộ phim truyền hình, thì thấy khâu nào cũng có lỗi.
Đầu tiên là kịch bản. Gần đây, phim truyền hình Việt đón nhận nhiều cây viết kịch bản trẻ, tạo sự mới mẻ về tư duy đề tài. Nhưng chính sự "non nớt" về chuyên môn của họ đã phần nào khiến người chuyển thể lúng túng. Rồi không ít người viết kịch bản theo kiểu "ăn xổi", chạy theo số lượng. Thế nên, có những bộ phim được đầu tư rất chu đáo về cảnh quay, diễn viên bắt mắt, nhưng lời thoại lại hời hợt, lan man, khiến người xem không thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim.
Về khâu kiểm duyệt kịch bản, nhà văn Chu Lai từng than phiền: Chính sự giới hạn về đề tài đã khiến phim truyền hình chưa đi sâu đựợc vào những vấn đề "nóng", bức xúc trong xã hội mà chỉ khai thác những hình mẫu làng nhàng. Do đó, một số kịch bản phim về những vấn đề khuất tất của nhà văn này bị từ chối. Còn việc tạo hình nhân vật, lại gần như bị đánh đồng với trang điểm. Vì thế, nhân vật xuất hiện trong phim chỉ cần xinh, nên lắm khi một cô nông dân nghèo khổ trở thành quý bà sang trọng trông vẫn giống hệt nhau. Điều này vô tình tạo ra sự ngây ngô của chính đạo diễn.
Nhìn vào điện ảnh Việt, phải thừa nhận rằng, bối cảnh trong phim truyền hình đang được "đẹp" hóa. Song điều đó chưa thể làm khán giả hài lòng. Thực tế cho thấy, bối cảnh phim Việt đang rơi vào vòng xoáy chung của sự giàu có. Từ "Người mẫu", "Khát vọng thượng lưu" đến "Cầu vồng tình yêu"... người ta luôn thấy choáng ngợp trước những biệt thự hiện đại, xa hoa mà đạo diễn sử dụng đều vượt xa đời sống thực thường ngày của người dân hiện nay.
Đến diễn xuất, âm thanh
Trong một cuộc tiếp xúc báo chí, đạo diễn Lê Hoàng thẳng thắn chia sẻ: Những bộ phim truyền hình làm cho tuổi teen của Việt Nam xem xong thấy mắc cười, lời thoại dở, dài dòng, khi thì quá hàn lâm, lúc lại quá ngu ngơ. Các bạn trẻ không cảm được nhân vật nên luôn cố gồng mình lên để diễn. Trong "Cuồng phong" của Bùi Huy Thuần, cứ đến trường đoạn con gái của Phượng đối thoại với mẹ, khán giả lại thấy gương mặt cô bé không hề có bất cứ biến đổi tâm lý nào dù bé sở hữu gương mặt rất xinh xắn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhạc không chuẩn, thậm chí bừa bãi, không hợp với từng trường đoạn, cảnh phim vẫn diễn ra đều đặn trong phim truyền hình. Đó còn chưa nói đến việc đạo nhạc nước ngoài, lấy cả nhạc thường dùng làm nhạc nền trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật để lồng ghép vào phim khiến phim Việt cứ lung tung và không đi theo một mô típ cụ thể.
Một số bộ phim ở phía Nam sử dụng quá nhiều ca khúc, tuy nhiên, các bài hát cứ vô tư ngân nga mà chẳng cần biết đoạn này có sử dụng được không hay trường đoạn kia phải cho nhạc như thế nào. Chính điều đó, vô tình làm mất giá trị của các cảnh quay, các khuôn hình đã được đầu tư khá kỹ lưỡng.
Từ kịch bản, tạo hình, đến diễn xuất, âm thanh… có thể nói, khâu nào trong phim truyền hình Việt cũng có… lỗi. Cuộc chạy đua lấp sóng để đạt chỉ tiêu 50% phim Việt trên truyền hình càng hối hả bao nhiêu, "căn bệnh" ngô nghê và ẩu của phim truyền hình càng "nặng" bấy nhiêu. Nếu như các nhà làm phim trong nước không nhìn lại mình, không tự chữa bệnh, thì không thể trách khán giả quay lưng lại với phim trong nước. Càng không thể tính xa hơn tới chuyện hội nhập điện ảnh hay xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài.