Theo thống kê của Hội Điện ảnh Việt Nam, năm 2017 và 2018, mỗi năm có từ 35 – 40 phim ra đời, trong đó hơn 90% do các hãng tư nhân thực hiện. Đa số phim đình đám có mặt ở các rạp đều chỉ thu hút và phục vụ đối tượng khán giả trẻ, có độ tuổi từ 18 – 25. Chủ đề nhiều phim vẫn tập trung khai thác những vấn đề như tội phạm, tình yêu, kinh dị, hài hước, thậm chí đi vào khai thác những kịch bản nước ngoài. Khán giả vì thế đến rạp, rồi ra về không ấn tượng gì.
NSND Lương Đức cho rằng, nhiều phim điện ảnh Việt hiện nay vẫn loay hoay trong trạng thái bắt chước kịch bản và lối diễn xuất. Khoảng cách giữa phim hay và phim dở còn xa nhau. Ngoài ra, nhiều cách xử lý chất liệu còn tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp. Hơn nữa, do lạm dụng các cảnh quay flycam nên tính thẩm mỹ trong phim yếu đi, ngôn ngữ và văn hóa cũng xa rời cuộc sống. Điều này khiến điện ảnh Việt dần thiếu đi tính sáng tạo và nhân văn trong từng bộ phim.
Bên cạnh đó, theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khả năng diễn xuất của các diễn viên trong phim hiện nay cũng không chuyên nghiệp dù đã đưa vào phim đội ngũ người mẫu có tiếng. “Nhiều phim đầu tư lớn, nhưng lại không nhất quán trong cách kể chuyện và xây dựng tuyến nhân vật, nên chỉ dừng lại ở mức độ giải trí. Ví dụ phim “Giấc mơ Mỹ” có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nhưng lại chọn cách kể chuyện rất rối, gây ra sự ức chế cho người xem” - bà Ngát bày tỏ.
Nghèo nàn tính giáo dụcTuy có sự tăng trưởng mạnh, nhưng rất ít phim định hướng giáo dục người xem như trước đây. Nhiều nhà sản xuất chỉ chạy theo doanh thu, biến phim thành món “mì ăn liền” để câu khách. Hiện nay, phim hài hước hay phim remake phát triển với số lượng lớn, nhưng không thể hiện được văn hóa, xã hội hay môi trường… của Việt Nam.
Theo NSND Nhuệ Giang - Giám khảo phim điện ảnh giải Cánh diều 2017 cho rằng, nhiều nhà sản xuất phim tư nhân đang chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà bỏ qua tính giáo dục. “Rất may là còn có một số nhà sản xuất vẫn quan tâm khai thác các vấn đề của đất nước, con người như Ngô Thanh Vân hay các phim như: "Dạ cổ hoài lang", "Thương nhớ ở ai", "Lặng yên dưới vực sâu", "Đảo của dân ngụ cư" hay "Mẹ chồng" khắc họa văn hóa xưa của dân tộc, khai thác tối đa bối cảnh, góc máy, cách thể hiện độc đáo nét phương Đông và Việt Nam… nhưng số đó thực sự rất ít” - NSND Nhuệ Giang chia sẻ.
Cùng quan điểm, đạo diễn, NSND Đỗ Minh Tuấn cũng cho rằng, phim thị trường hiện nay chỉ giải quyết được một phần định kiến xã hội, nhưng kèm theo đó là vấn đề “bạo lực trong cách ứng xử” lời nói. Ngoài ra, thái độ sống của nhân vật trong phim bị ảnh hưởng của văn minh phương Tây quá nhiều, nên thiếu đi cái hoang mang, do dự hay tần ngần, tinh tế của người Việt.
Điện ảnh Việt đang đi vào giai đoạn phát triển mạnh, khi tình trạng vắng khán giả ở các rạp không còn thường xuyên. Tuy nhiên đồng hành với chặng đường phát triển đó là những vấn đề chưa được khắc phục. Hơn lúc nào hết, cần có sự chung tay của chính cá nhân những người làm nghệ thuật, cụ thể là trong lĩnh vực phim. Làm sao cho điện ảnh nước nhà phát triển mạnh mẽ, nhưng bền vững.