Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt chật vật trụ rạp

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trừ một vài phim đạt doanh thu “khủng” và trụ rạp tương đối lâu, phần đông phim Việt vẫn chật vật trên con đường chinh phục khán giả nội vì không được xếp vào khung giờ vàng như phim ngoại.

Cuộc chiến không cân sức
Chưa bàn tới chất lượng, ngay từ số lượng phim ngoại luôn ở thế thượng phong, dù 2 năm gần đây, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam thống kê mỗi năm có 50 - 60 phim Việt ra rạp. Trong khi đó, tại hệ thống phát hành phim của các hãng, tính trung bình mỗi tuần có 3 - 5 phim ra rạp. Như vậy, cán cân đương nhiên vẫn nghiêng về các phim bom tấn Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc. Còn lại đôi ba phim Việt ra rạp trong tháng thì số phận khá mong manh.

Một cảnh trong phim “Lời nguyền gia tộc”.

Sức chống đỡ của phim Việt trước sức mạnh vũ bão của phim ngoại ngày càng yếu ớt hơn. Chẳng hạn dịp này, “Lời nguyền gia tộc” đang phải chống chọi lại “Vệ sĩ sát thủ”, “Bố tớ là chân to”, “Đảo địa ngục” và dư âm của bộ phim cùng đề tài kinh dị “Annabelle”. Giới sản xuất trong nhiều cuộc thương lượng với nhà rạp đều phải chịu thua thiệt phần nhiều: Phim ngoại luôn áp đảo số suất chiếu, khung giờ đẹp. Khán giả Bùi Thái An (Thanh Xuân) cho biết, nhiều khi muốn xem phim Việt Nam cũng khó vì các suất chiếu thường rơi vào giờ hành chính, hoặc sau 23 giờ gây khó khăn lớn cho khán giả muốn ủng hộ nhà làm phim nội.
Còn nhớ đạo diễn Lương Đình Dũng đưa “Cha cõng con” ra rạp cũng chật vật không kém khi phim vẫn có khán giả nhưng bị ép, cắt suất chiếu rất nhanh. Dù vậy sau này, anh cũng tìm cách đưa “Cha cõng con” đến với nhiều khán giả nhất có thể, không chịu thua trong cuộc chiến không cân sức ở rạp. Tình trạng trên khá phổ biến với các phim không do các “đại gia” sản xuất, bị nhà rạp o bế rất kỹ. Đạo diễn Đặng Thái Huyền ("Lời nguyền gia tộc") nhắc tới thực tế khá đau lòng của giới sản xuất phim Việt: Tỷ lệ ăn chia phòng vé, cuộc đối đầu không cân sức với các phim ngoại, số lượng phim Việt ngày càng nhiều lên sau mỗi năm trong khi rạp tăng lên mỗi năm không nhiều.
Tạo hiệu ứng truyền thông
Trong khi các "ông lớn" áp đảo số phòng chiếu ở Việt Nam sớm rút số suất chiếu của “Lời nguyền gia tộc” xuống, đẩy phim vào nhiều khung giờ khó thì nhà phát hành Galaxy lại tăng suất chiếu. Sau những phản hồi của truyền thông, mạng xã hội và đặc biệt sự truyền tai nhau của khán giả, tỷ lệ khán giả lấp đầy rạp cũng tăng lên đáng kể. Lại nhắc hiệu ứng truyền thông, “Em chưa 18” thành công về doanh thu cũng là một ví dụ cho sự may mắn, tính thời điểm và sự rỉ tai nhau của khán giả tới rạp. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - một người hoạt động trong giới truyền thông, phê bình phim cho rằng, khán giả ngày càng tin vào hiệu ứng lan truyền của mạng xã hội, coi đó như kênh tham khảo khi quyết định lựa chọn phim.
Một khán giả giấu tên ở quận Đống Đa kể, anh có một số người bạn chỉ xem phim Mỹ, nhất quyết từ chối ngồi xem phim nội, dù anh dùng mọi biện pháp thuyết phục. Bộ phận khán giả này không hiếm, bởi tính sính ngoại của người Việt một phần, phần nữa không thể trách họ vì đã trải qua một thời gian dài mất niềm tin ở điện ảnh Việt Nam. Vài năm trước, nhắc tới phim giải trí, phim điện ảnh ra rạp, khán giả ngao ngán vì phần lớn phim thảm họa. Số lượng phim Việt chưa nhiều, chất lượng cũng không đồng đều, trồi sụt khiến khán giả nhiều khi không biết đường nào mà tính.