Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt tham dự Oscar: Đến để… làm quen

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh thế giới Oscar đã diễn ra 83 lần. Trong 83 lần đó, những bộ phim đại diện Việt Nam tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến Oscar với tâm trạng biết là không được gì.

Khó khăn lựa chọn

Từ Oscar 2006, Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự tranh giải ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất". Trong 4 năm đầu, mỗi năm Việt Nam chỉ tìm được một phim đại diện tham dự. Bởi, những phim có thể đại diện được hình ảnh của điện ảnh Việt thì không đáp ứng đủ tiêu chí của giải thưởng: phải có thời gian chiếu thương mại ở nước sở tại từ 7 - 10 ngày trở lên. Thế mới thấy, những bộ phim được giới trong ngành đánh giá cao về chất lượng, mang bản sắc dân tộc lại không đứng được trên thị trường. Năm ngoái, điện ảnh Việt thêm một lần lỡ hẹn với giải Oscar vì trong 9 bộ phim đáp ứng đủ tiêu chí về thời gian và kĩ thuật ("Trăng nơi đáy giếng", "Chơi vơi", "Bẫy rồng", "Giao lộ định mệnh", "Nhật ký Bạch Tuyết", "Khi yêu đừng quay lại", "Những nụ hôn rực rỡ", "Công chúa Teen và Ngũ hổ tướng") không có bộ phim nào được các nhà chuyên môn cho là xứng đáng.

Năm nay, chất lượng phim có vẻ khả dĩ hơn, Hội đồng xét duyệt của Bộ VH,TT&DL có thêm nhiều lựa chọn. Ba phim lọt vào vòng cuối của xét duyệt là "Cánh đồng bất tận", "Long thành cầm giả ca", "Khát vọng Thăng Long" đều được đánh giá ngang sức ngang tài về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung. Đặc biệt, "Cánh đồng bất tận", một "hiện tượng" chưa từng có của điện ảnh Việt trong năm vừa qua - phim nghệ thuật nhưng đạt doanh thu bán vé tiền tỉ. Phim công chiếu ở rạp không chỉ 10 ngày mà suốt hơn hai tháng, ở tất cả các rạp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, sau khi "nâng lên đặt xuống", xét ở góc độ chất lượng, nội dung, tư tưởng… và cả tiêu chí của Oscar năm nay, Hội đồng xét duyệt đã chọn "Khát vọng Thăng Long" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Nhạt nhòa khi tham dự

Nhìn lại 4 phim đã từng được chọn tham dự Osar là: "Mùa len trâu", "Chuyện của Pao", "Áo lụa Hà Đông", "Đừng đốt" thấy cũng chỉ "so bó đũa, chọn cột cờ". Một bộ phim khi đi ra nước ngoài, đại diện hình ảnh của đất nước, ít nhất phải chất lượng về nghệ thuật và không thua kém về tiêu chuẩn kỹ thuật. Song nếu "Mùa len trâu" đảm bảo về chất lượng nghệ thuật, lại mờ nhạt về nội dung, "Chuyện của Pao" ấn tượng về âm nhạc thì không thiếu những lỗi sơ đẳng của đạo diễn, còn "Áo lụa Hà Đông" mới chỉ là câu chuyện xúc động ở Việt Nam. "Đừng đốt"  - một bộ phim đặc sắc, dành nhiều giải trong nước và quốc tế, nhưng cũng mới ở bậc trung. Nên khi đứng trước sự đánh giá của các nhà làm điện ảnh Viện Hàn lâm Mỹ, không đi xa hơn được vòng đọc hồ sơ tham dự giải.

Mới đây, Bộ VH,TT&DL công bố "Khát vọng Thăng Long" là đại diện duy nhất của Việt Nam tranh giải trong hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" của giải Oscar 2012, rất nhiều người tỏ ra thất vọng. Vì mang công chiếu, phim đã nhận được không ít phản biện của giới chuyên môn do chưa nêu bật được chủ đề mà bộ phim đưa ra. Hơn nữa, nhân vật thủ vai Lý Công Uẩn chưa thể hiện được khí chất mạnh mẽ, quyết đoán của vị vua có công dời đô về Thăng Long. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng thừa nhận: "Vì phim làm để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên phải chạy đua với tiến độ thời gian. Phim còn có cái kết chưa hợp lí, chưa gói được tinh thần chính. Giá như có thêm 1 tháng nữa, tôi sẽ làm phim tròn trịa hơn. Được đi tham dự giải Oscar lần thứ 84 là niềm vui với đoàn làm phim, nhưng trong mặt bằng của điện ảnh Việt, tôi không hi vọng phim sẽ làm nên dấu ấn tại giải thưởng danh giá nhất hành tinh này".

Oscar là một giải thưởng lớn mà điện ảnh Việt chưa bao giờ với tay tới. Đến hẹn lại lên, mỗi năm ngành điện ảnh đều cố gắng chọn cho được một bộ phim tham dự, nhưng cũng chỉ với mục đích đến để làm quen, để học hỏi những nền điện ảnh lớn của thế giới. Vậy thì chưa thể nghĩ đến một ngày phim Việt rạng danh trên đất Mỹ