Thoát khỏi lối mònTrước đây, nhiều bộ phim về tình cảm gia đình đã ghi được dấu ấn trong lòng khán giả như "Của để dành", "Chuyện nhà mộc", "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc"… Nhưng sau giai đoạn này, phim truyện về đề tài gia đình dần vắng bóng trên sóng truyền hình vào các khung giờ vàng do nội dung nhạt nhẽo, đi vào lối mòn. Tuy nhiên gần đây, phim về đề tài gia đình đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Những bộ phim như "Sống chung với mẹ chồng", "Gạo nếp gạo tẻ", "Nàng dâu Oder", hay nổi bật nhất là bộ phim "Về nhà đi con"… nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Những bộ phim đó thu hút khán giả phần lớn nhờ phản ánh hiện thực với màu sắc mới mẻ. Trong phim “Về nhà đi con” có khán giả thích tình cha con, thích mối quan hệ chị em, có người thích tuyến tình yêu “mèo mả gà đồng” của Thư (Bảo Thanh) với Vũ (Quốc Trường), và không ít khán giả quan tâm đến mối quan hệ “gà bông” của Dương (Bảo Hân) với Bảo (Quang Anh). Chính vì vậy, phim “Về nhà đi con” đang rất hot trên mạng xã hội, khán giả bình luận sôi nổi và cũng có rất nhiều “trend” (xu hướng thịnh hành) đang diễn ra. Ngay sau mỗi tập phim, trên khắp các fanpage, khán giả liên tục bàn luận sôi nổi, đặt ra những giả thiết, nhận định cho tập tiếp theo. Theo những người làm nghề, công thức để tạo sự chú ý là lấy những đoạn nhỏ hay nhất (bestcut) có nội dung là những chủ đề tạo sự tranh luận như Ngoại tình, mẹ chồng nàng dâu, quan hệ con cái - bố mẹ... đưa lên Facebook để tạo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nội dung bestcut đó nếu thật sự đánh trúng tâm lý khán giả thì lập tức sẽ có sự lan tỏa rất mạnh, tạo thành “hot trend”.Thêm vào đó, nhiều phim truyền hình gần đây như “Về nhà đi con” thời lượng chỉ khoảng 30 phút mỗi tập và làm theo dạng cuốn chiếu. Đây là cách làm mang đến cái lợi là nhà sản xuất có thể vừa làm vừa theo dõi dư luận để biết rõ khán giả thích gì, không thích gì mà kịp thời điều chỉnh. Nhà sản xuất cũng thay đổi tư duy, không theo lối mòn kể chuyện dài dòng không cần thiết. Và thay vì 68 tập như công bố ban đầu của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), bộ phim sẽ tăng thời lượng lên tới 82 tập. Nhiều dự án trước đây như "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử" cũng từng làm điều này vì độ hot của phim cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.Thay đổi cách làmBiên kịch Nguyễn Thu Thủy, người đứng sau thành công của rất nhiều bộ phim truyền hình thời gian gần đây như "Ngày ấy mình đã yêu", "Lập trình cho trái tim", "Tuổi thanh xuân", "Zippo", "Quỳnh búp bê", "Chạy trốn thanh xuân" cũng cho rằng, một trong những điều giúp các bộ phim gần đây hấp dẫn hơn là nhờ thay đổi cách làm. Cùng khai thác đề tài “gà trống nuôi con”, cùng là chuyện một người cha nuôi ba cô con gái trưởng thành, nhưng so với “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” của năm 2013 thì “Về nhà đi con” của 2019 có cơ hội để tiếp cận đề tài với tinh thần hiện đại hơn. Câu chuyện của bốn cha con trong “Về nhà đi con” đều được đội ngũ nội dung chủ động thay đổi, khiến cho cấu trúc và mạch phát triển chung của câu chuyện hoàn toàn độc lập và khác biệt.Mặt khác, theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng: “Chúng tôi muốn làm bộ phim mang yếu tố chân thực nhẹ nhàng, càng giản dị càng tốt để khán giả xem có thể thấy bóng dáng mình đâu đó trong phim. Chúng tôi phải đặt mình vào khán giả xem họ muốn gì, thích gì chứ không áp đặt. Để đặt được mình vào khán giả, cả đoàn phim từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên phải trao đổi với nhau rất kỹ và sáng tạo thêm ngay tại trường quay, cả tình huống lẫn lời thoại”.Nhìn chung, theo đánh giá của các nhà làm phim, đề tài gia đình luôn có chất liệu mới trong xã hội. Tuy nhiên, để có được một phim thành công cần có sự sáng tạo của một tập thể từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên và đặc biệt là việc lắng nghe những ý kiến phản hồi của khán giả để tạo ra nhưng bộ phim về gia đình không bị nhàm chán.