Sáng nay (19/3), đoàn kiểm tra số 3 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Huyện ủy Ba Vì và Thị ủy Sơn Tây về công tác phòng, chống dịch do Covid-19 trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, xây dựng phương án đáp ứng tình huống xuất hiện ổ dịch tại 1 thôn xóm, giao ban BCĐ Covid-19 hai lần/ngày, lập 2 đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch và 1 đội phòng chống dịch cơ động… Các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch, thành lập BCĐ phòng chống dịch và kế hoạch vệ sinh môi trường, khử khuẩn… Qua rà soát, toàn huyện có 616 người đến hoặc đi từ nước ngoài (25 quốc gia); tích lũy đến nay có 3 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, đã thực hiện điều tra gửi mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính; 49 trường hợp (đều người Việt Nam) đã áp dụng các biện pháp cách ly tại nơi ở (hiện còn 1 trường hợp). Đồng thời, có 106 trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà, gồm 18 trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam đã hết thời gian cách ly tại khu tập trung, 86 trường hợp F3 và 2 trường hợp F2 (F1 đã có kết quả âm tính). Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Công Tiến cũng đề nghị TP thường xuyên có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho địa phương trong công tác này, trong đó việc hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho mỗi trường hợp cách ly cần có hướng dẫn sớm.
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho hay, thị xã đã và đang quyết liệt chỉ đạo cán bộ, Nhân dân sẵn sàng trong kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19; chủ động công tác truyền thông về dịch trên địa bàn. Người dân có nhận thức về sự nguy hiểm của dịch và ý thức phòng chống được nâng cao rõ rệt, chủ động khai báo thông tin các trường hợp nghi ngờ, đi/đến vùng có dịch; ủng hộ xã hội hóa cho công tác phòng chống dịch. Các đoàn thể, phòng, ngành và UBND 15 xã, phường cũng chủ động xây dựng văn bản để triển khai công tác phòng chống dịch; các đơn vị y tế chủ động điều trị, thu dung bệnh nhân… Rà soát cho thấy tại thị xã có 4 người nước ngoài và 21 người Việt Nam đi từ nước ngoài về trong vòng 14 ngày; cộng dồn từ ngày 8/3-16/3 có 167 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ trên địa bàn, trong đó 5 trường hợp F2 và 162 trường hợp F3, đều cho kết quả xét nghiệm âm tính. Song, Thị ủy cũng đề xuất TP hỗ trợ cho các DN, khi trên địa bàn có hơn 800 DN nhưng đến nay nhiều DN đã xin nghỉ, hoặc sản xuất khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm, hàng làm ra khó tiêu thụ; với trên 5.300 hộ kinh doanh thì hơn 400 hộ cũng đã xin nghỉ hoặc bỏ kinh doanh; làng cổ Đường Lâm có lượng khách du lịch giảm 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái…
Tại các buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây đã chấp hành đúng chỉ đạo của TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19, với hệ thống văn bản tương đối đầy đủ, lên phương án cho từng giai đoạn, thành lập đoàn kiểm tra, tập huấn tuyên truyền…; đến nay trên địa bàn chưa có trường hợp mắc bệnh.
Mặc dù vậy, đồng chí nhấn mạnh, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là trong nước và TP đang vào giai đoạn số ca nhiễm tăng nhanh, các địa phương cần khẩn trương có chỉ đạo vừa kịp thời vừa phù hợp hơn với đặc thù địa phương. Như tại Ba Vì có hơn 600 người nước ngoài, địa bàn rộng, nhiều điểm du lịch, nhiều lao động các nơi về, có một số đơn vị quân đội đóng quân và được chọn là nơi cách ly… Việc nâng cao nhận thức trong công tác lãnh đạo chỉ đạo cần được các địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm, khi biểu hiện của bệnh nhiều khi không rõ, mấy lần xét nghiệm cho kết quả âm tính rồi lại dương tính, bệnh tác động khác nhau với từng đối tượng, đi mỗi nước thì bệnh lại biến chủng khác nhau. Nhất là huyện, thị xã cần rà soát những phương án đã lập, bổ sung giải pháp mới cho giai đoạn này, đặt tình huống số ca nhiễm sẽ xuất hiện và tăng lên; bám sát chỉ đạo của T.Ư và linh hoạt theo diễn biến cụ thể tại địa phương, trên tinh thần phân công rõ, huy động cả hệ thống chính trị nhất là đoàn thể, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ và cả những hộ hàng xóm của các trường hợp; nắm chắc tình hình di biến động dân cư trên địa bàn, nhất là với số trường hợp người Việt Nam từ nước ngoài về sẽ tăng lên trong những ngày tới, cần bám sát thông tin về những chuyến bay.
Nêu rõ Công an chịu trách nhiệm rà soát, không bỏ sót trường hợp nhiễm và liên quan, đồng chí cũng yêu cầu các địa phương quản lý chặt trường hợp cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà; làm việc với các chủ sử dụng lao động để có phương án đảm bảo sức khỏe cho nhân viên; có cách tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, như với xã miền núi, người lao động nước ngoài, hay khối cán bộ công chức… thì khác nhau. Ngoài ra, cần có phương án cụ thể cho công tác hậu cần, tăng kiểm tra, xem xét trách nhiệm người đứng đầu không coi trọng công tác phòng chống dịch, ưu tiên trang thiết bị y tế bảo hộ cho lực lượng công an và y tế làm nhiệm vụ, đảm bảo nguồn hàng phục vụ Nhân dân, có phương án đảm bảo trụ sở làm việc các cơ quan đầu não địa phương trong tình huống có trường hợp nhiễm bệnh, cũng như có phương án học tập cụ thể cho học sinh... Hơn nữa, công tác tuyên truyền cần kịp thời nhưng có dung lượng hợp lý, tránh hoang mang trong Nhân dân.
Phó Bí thư Thành ủy còn cho biết, TP sẽ lập đề án về khắc phục hậu quả của dịch với nhiều phương án, đề nghị tại các địa phương xây dựng các phương án của mình. Thường trực UBND TP đang dự thảo văn bản về việc hỗ trợ cho các trường hợp cách ly, người trực (y tế, công an…) gửi HĐND TP. TP cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch. Riêng với việc dạy và học, đồng chí đề nghị Sở GD&ĐT lên phương án riêng cho các địa phương khó khăn như Ba Vì khác với các quận nội thành. Về công tác diễn tập các tình huống chống dịch rất quan trọng, Bộ Tư lệnh Thủ đô cần có phương án thống nhất trên toàn TP.