|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, lãnh đạo LĐLD TP, các quận, huyện đã làm rõ thêm những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20. Đồng thời, đề xuất những vấn đề cập quan tâm trong thời gian tới trong phát triển giai cấp công nhân đáp ứng với những điều kiện thực tế hiện nay.
Đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 20 tại Hà Nội trong 10 năm qua, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Lam đề nghị: Để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn để xây dựng mối quan hệ hài hòa, nâng cao chất lượng…
Nhận định, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã nghiêm túc triển khai, thực hiện Nghị quyết của T.Ư, Chương trình hành động của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nâng lên.
TP đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế trên địa bàn Thủ đô phát triển về số lượng và chất lượng. Đồng thời, phối hợp chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô, tạo cơ hội cho người lao động được học nghề, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ… Việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động được các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn thường xuyên quan tâm…
|
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các đơn vị. |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, qua việc chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, các tổ chức đảng, Công đoàn, các đoàn thể trong doanh nghiệp đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của DN và tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Cùng với những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về quan điểm, nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động. Thành phố đã cố gắng đầu tư cho các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề, nhưng nhìn chung các cơ sở đào tạo nghề thiết bị chưa theo kịp những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khu vực và trên thế giới, nên chất lượng đào tạo hạn chế, thiếu CNLĐ có tay nghề cao đáp ứng với thị trường lao động trong hình hình mới...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20 và Chương trình hành động số 32, gắn với thực hiện các Nghị quyết vừa qua của T.Ư, nhằm nâng nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, các hành phần kinh tế phát triển để tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng hiện đại cho các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề của TP, để có nhiều hơn loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động của TP, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn.
“Cần phối hợp chặt chẽ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNLĐ, trong đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ của các doanh nghiệp đối với người lao động, như: BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, ký thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp theo Nghị định số 60 của Chính phủ. Có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động theo luật định”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, tiếp tục thực hiện và tăng cường hơn nữa các dự án về nhà ở tại các khu công nghiệp và chế xuất. Đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện để công nhân vào thuê ở, xây dựng nhiều hơn các thiết chế văn hóa, phúc lợi công cộng ở nơi tập trung đông CNLĐ..., nhất là địa bàn có nhiều khu CN, khu CX, qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen cho các cá nhân. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị MTTQ và các đoàn thể tiếp tục tăng vai trò giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tốt hơn các cuộc đối thoại với DN, công nhân, lao động. Làm tốt việc tuyên truyền, vận động CNLĐ Thủ đô xây dựng tác phong công nghiệp và thực hiện tốt quyền lợi và trách nhiệm của công nhân lao động trong doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong CNLĐ nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho DN và người lao động, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn thể trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, các đoàn thể Nhân dân đáp ứng với tình hình sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp với các ban, ngành trong việc tham mưu xây dựng cơ chế, đào tạo, bồi dưỡng công nhân lao động, đủ điều kiện trở thành cán bộ Đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân, nhất là cán bộ Công đoàn các cấp...
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã thay mặt Thường trực Thành ủy tặng Bằng khen của Thành ủy cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 20 của T.Ư (khóa X) và Chương trình hành động số 32 của Thành ủy Hà Nội.