Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy: Mong các lão thành cách mạng tiếp tục có đóng góp quý báu cho Thủ đô

Linh Nguyễn. Ảnh Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP, tôi kính chúc các bác, các đồng chí luôn mạnh khỏe, trường thọ để được chứng kiến những đổi thay, phát triển của Thủ đô, đất nước; mong các bác, các đồng chí bằng trí tuệ và uy tín của mình tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là góp ý để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh tại buổi Gặp mặt chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội sáng nay (1/10).

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, sáng nay (1/10), Thành ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trang trọng tổ chức Gặp mặt chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội.
Tới dự có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt; Nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư Vũ Oanh; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Trưởng Ban Đại diện chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) TP Hà Nội, đại diện các nhà tù và đặc biệt 218 bác đại diện cho CSCMBĐBTĐ trên địa bàn TP Hà Nội.
 Quang cảnh buổi gặp mặt (Ảnh: Phạm Hùng)
Tại đây, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định: Trong niềm vui chung của đồng bào cả nước nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thủ đô được giải phóng cũng là ngày các CSCMBĐBTĐ thoát khỏi hệ thống “địa ngục trần gian” của địch để chiến thắng trở về với Đảng, với dân và quân đội ta, cuộc gặp mặt này là dịp cho 218 CSCMBĐBTĐ đại diện cho hàng nghìn anh chị em ở các nhà tù trên cả nước đang cư trú tại Thủ đô cùng ôn lại những kỷ niệm hào hùng của 65 năm trước. Thời gian các chiến sỹ cách mạng đối mặt với kẻ địch trong lao tù đã hơn nửa thế kỷ, song bao ký ức của những ngày đấu tranh để tồn tại trở về với Nhân dân, với Đảng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc không bao giờ phai nhạt. Sau ngày chiến thắng trở về, hầu hết anh chị em vẫn một lòng một dạ đi theo con đường đã chọn, chấp hành nghiêm mọi phân công của Đảng và Nhà nước, giữ được phẩm chất người CSCMBĐBTĐ tham gia đóng góp xây dựng chỉnh đốn Đảng; giữ vững an ninh chính trị, động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người đã phát huy được phẩm chất tốt đẹp được tôi luyện trong lao tù vào cuộc sống mới và có những bước trưởng thành vững chắc.
“Chúng tôi xúc động được Đảng, Nhà nước xác đinh CSCMBĐBTĐ là đối tượng người có công với cách mạng; các bộ, ngành T.Ư quan tâm đề ra chính sách với người có công. Chúng tôi cũng được sự quan tâm chăm sóc của lãnh đạo TP; các sở, ngành TP tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để Ban Đại diện tổ chức đi thăm những di tích lịch sử, in và phát hành 5 tập “Trung kiên bất khuất”...  Dù vậy, Ban Đại diện mong muốn TP quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả hơn; Thủ đô phải là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, trong xử lý rác thải để bảo vệ môi trường; đồng thời quan tâm hơn nữa việc giúp đỡ, chăm sóc các CSCMBĐBTĐ”, Thiếu tướng nói.
Cùng với đó, cụ Nguyễn Tiến Hà - Trưởng Ban liên lạc Nhà tủ Hỏa Lò, TP Hà Nội và cụ Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo, TP Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn TP có chính sách chăm lo, giúp đỡ các CSCMBĐBTĐ tốt hơn trong những năm tháng cuối đời. Trong đó, đề nghị cho những CSCMBĐBTĐ được cấp thẻ người có công, hưởng một số ưu đãi như thương binh; nâng mức tiền được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ hệ số 0,6 lên hệ số 1 so với mức lương cơ bản…
Thay mặt lãnh đạo TP phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Trong niềm vui kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP càng cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình, độc lập, tự do mà bao thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh để giành được, trong đó có các bác, các đồng chí dự buổi gặp mặt này, đại diện cho hơn 1.500 cựu tù chính trị, cựu tù binh từng bị địch bắt, tù đày ở trên 30 nhà tù của địch trên toàn quốc. Đây là những chứng nhân của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tấm gương tiêu biểu cho bản lĩnh, ý chí kiên cường, bất khuất nhất là trong chế độ lao tù hà khắc của thực dân, đế quốc; kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, của Thủ đô văn hiến, anh hùng.
Theo đồng chí, 65 năm kể từ ngày được giải phóng, Thủ đô luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất; cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển KT-XH. Đặc biệt 2019 là năm tăng tốc có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành toàn diện chỉ tiêu KT-XH nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với đẩy mạnh thực hiện 8 chương trình công tác của Thành ủy là chuẩn bị cho Đại hội XVII Đảng bộ TP, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, TP rất quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo thiết thực các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; bằng những việc làm cụ thể góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các chiến sỹ cách mạng đã trải qua lao tù của thực dân, đế quốc; những người có công với cách mạng. Năm nay, TP đã vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt gần 33 tỷ đồng; tặng 4.169 sổ tiết kiệm; tu sửa, nâng cấp 91 công trình ghi công liệt sỹ và 378 nhà ở cho người có công với cách mạng; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 21.000 lượt người…
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu (Ảnh: Phạm Hùng)
“Tôi rất xúc động thấy các bác, các đồng chí tuổi đã cao vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tham gia hoạt động xã hội, tiếp tục có những cống hiến, đóng góp xuất sắc; tiêu biểu như bác Nguyễn Văn Tỵ, bác Lâm Văn Bảng vinh dự được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”… Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP, tôi kính chúc các bác, các đồng chí luôn mạnh khỏe, trường thọ để được chứng kiến những đổi thay, phát triển của Thủ đô, đất nước; mong các bác, các đồng chí bằng trí tuệ và uy tín của mình tiếp tục có đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là góp ý để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói. Khẳng định những kiến nghị của đại diện các CSCMBĐBTĐ tại buổi gặp mặt này rất xác đáng, đồng chí đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với Thành đoàn sớm tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các CSCMBĐBTĐ với thế hệ trẻ của TP để làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, kỷ niệm Ngày quốc phòng toàn dân và các ngày lễ lớn.
Cũng tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng Bằng khen của UBND TP cho tập thể Ban Đại diện các CSCMBĐBTĐ TP và 20 cá nhân CSCMBĐBTĐ tiêu biểu của TP.