Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Chủ động nắm tình hình, không để phát sinh vụ việc phức tạp

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/4, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì hội nghị giao ban quý I/2018 về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2018 của Thành ủy Hà Nội.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải.
Sau khi nghe đánh giá về kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý I/2018, nhiệm vụ trong tâm 9 tháng cuối năm 2018; ý kiến của lãnh đạo các cơ quan nội chính, các quận, huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định: Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan khối nội chính trong quý I/2018 đã nỗ lực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP, tham mưu kịp thời cho Thành uỷ chỉ đạo xử lý các phát sinh trên địa bàn TP. 
Trong công tác phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành uỷ tiếp tục triển khai đôn đốc các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đô thị, công tác cán bộ… Tiếp tục đôn đốc 13 chuyên đề của Chương trình; chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác phối hợp của các cơ quan khối nội chính.

Cùng với những kết quả tích cực, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại như công tác nắm, dự báo, phân tích, đánh giá, xử lý tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi chưa nhạy bén, kịp thời. Một số đơn vị chưa chủ động, nhanh nhạy trong việc tham mưu, đề xuất các biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi lên tại địa bàn. Tình hình cháy, nổ có nhiều diễn biến phức tạp, tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn gây thiệt hại lớn về người và tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy đã được tăng cường với nhiều hình thức nhưng chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ, công chức trong phòng chống tham nhũng...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP, chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập; kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý hoạt động của người nước ngoài và đối tượng trọng điểm, hoạt động tôn giáo. Chú trọng tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nhất là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", sử dụng vũ khí nóng, chống người thi hành công vụ…
 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Hải.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, không để tồn đọng kéo dài; nâng cao chất lượng xét xử không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, cải sửa; thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thi hành án. Tập trung giải quyết dứt điểm, hiệu quả những vụ án lớn, phức tạp do Trung ương ủy quyền cho Hà Nội xét xử.

Đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí của địa phương, đơn vị, trong đó tập trung chỉ ra những khâu yếu, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, khiếu kiện, để có giải pháp phòng ngừa có hiệu quả. Xác định những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí nhất là những lĩnh vực: Công tác cán bộ, quản lý đất đai, tài nguyên, tài chính, thuế, sử dụng tài sản công… bằng hình thức công khai, minh bạch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/12/2016 của Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội".

“Hiện nay, Thường trực Thành uỷ đang chỉ đạo hợp nhất 2 Ban Chỉ đạo: BCĐ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ thị 15-CT/TU, sau khi ban hành, đề nghị các quận, huyện, thị uỷ, các cơ quan khối nội chính, các quận tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc. Rà soát, xem xét giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài không để phát sinh các vụ việc phức tạp trên địa bàn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Người đứng đầu địa phương phải chủ động chỉ đạo phòng cháy chữa cháy
Đặc biệt nhấn mạnh về công tác phòng cháy chữa cháy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP về lĩnh vực này. Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu về phòng chống cháy nổ. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về pháp luật PCCC, các kiến thức phòng chống cháy nổ và kỹ năng thoát nạn cho Nhân dân, nhất là các khu chung cư cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại… Tăng cường phát tờ rơi, sổ tay phòng chống cháy nổ đến từng hộ dân để nâng cao kỹ năng và ý thức phòng tránh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh lãnh đạo các địa phương phải phối hợp, thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy nhất là các khu chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. 

“Bí thư các quận, huyện, thị ủy phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của mình, chủ động phân công cán bộ phụ trách, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát về phòng cháy và chữa cháy. Nếu các đồng chí còn coi công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ riêng của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thì không bao giờ hạn chế được cháy nổ. Bí thư phải phân công Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy kiểm tra, huy động công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tham gia. Các đồng chí phải rất chủ động, phải thấy bức xúc thì phòng cháy, chữa cháy mới tốt lên được" – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ. Đồng thời chỉ đạo, việc kiểm tra, tuyên truyền phải thường xuyên, phải gắn với xử lý nghiêm vi phạm và xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ.