Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để Thanh Oai trở thành quận giai đoạn 2025-2030

Ánh Ngọc - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/11, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trưc Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Oai về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Oai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng các thành viên đoàn công tác đã kiểm tra thực tế mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng và dây chuyền sản xuất gạo tại Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng

Thu ngân sách 463 tỷ đồng, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, 9 tháng năm 2021, huyện đã lãnh đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo giữ vững “vùng xanh” của Thủ đô, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng 8 chương trình công tác trọng tâm và các Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy khóa XXIII.

Về kết quả phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất đạt 13.503 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch (tăng 6,9% so với năm 2020). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 9,15%; Công nghiệp - xây dựng 59,64%; Thương mại, dịch vụ 31,21%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.236 tỷ đồng, đạt 73,7% kế hoạch (tăng 2,5% so với năm 2020).

 Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, 9 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Oai đạt 326 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn TP giao đầu năm và đứng thứ 8/30 quận huyện và đạt 48,6 % kế hoạch vốn TP giao sau điều chỉnh và đứng thứ 13/30 quận huyện. Tổng thu ngân sách (tính đến 31/10) trên địa bàn là 463 tỷ đồng, đạt 86% dự toán TP giao và bằng 97% so cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Bùi Văn Sáng, triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay, Thanh Oai đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020; 20/20 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Kim An và Hồng Dương).

Hiện nay, Thanh Oai đang hướng dẫn 2 xã Dân Hòa và Cao Dương tiếp tục hoàn thiện các nội dung, dự án và hồ sơ trình đánh giá xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình và phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao.

Huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa hàng hóa 3.000 ha, vùng trồng cây ăn quả 300 ha, vùng rau an toàn 100 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình trồng rau hữu cơ an toàn 11,7 ha; mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô 4500 m2, hoa Lan hồ Điệp 2.500m2; trồng dưa lưới 2.500m2. Huyện hình thành và tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về nâng cao đời sống nông dân, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 55 triệu đồng/người/năm; năm 2021 phấn đấu đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,21%.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; việc cưới, việc tang đã được thực hiện theo nếp sống văn minh.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn huyện có 31 sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng của huyện đã được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 30 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm đạt 3 sao đã góp phần thúc đẩy sự liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của sản phẩm.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hùng

Quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021 – 2030 là cơ hội “kim cương”

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng kiến nghị, TP quan tâm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch vùng huyện giai đoạn năm 2021-2030, bảo đảm tiêu chí quy hoạch 60% diện tích đất tự nhiên là đất phi nông nghiệp và 40% diện tích còn lại là đất nông nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chí huyện lên quận giai đoạn 2025-2030.

Huyện cũng kiến nghị TP cho phép bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp và mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn; đôn đốc chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Mỹ Hưng đẩy nhanh tiến độ lập thẩm định các hồ sơ có liên quan.

Thanh Oai cũng kiến nghị TP hỗ trợ vốn cho huyện thực hiện các dự án mạng lưới tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đường kết nối Quốc lộ 21B và đường trục phát triển phía Nam. Đối với các dự án nước sạch, hiện huyện còn 10/21 xã chưa có nước sạch, huyện đề nghị TP chỉ đạo các chủ đầu tư dự án nước sạch đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...

Sau khi nghe 8 ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành trả lời các kiến nghị của huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Quy hoạch vùng huyện có thể coi là cơ hội “kim cương” đối với Thanh Oai để huyện bứt phá trở thành quận trong tương lai. Do đó, Thanh Oai cần tận dụng trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia vào góp ý vào quy hoạch của huyện. Mặc dù mục tiêu lên quận vào năm 2030 là khoảng thời gian tương đối dài nhưng huyện phải xuất phát ngay từ hôm nay, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, sự ủng hộ của TP.

 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hùng

“Quy hoạch vùng huyện phải phát huy được tác dụng của các trục đường giao thông huyết mạch như: Trục phát triển Quốc lộ 21B, trục phát triển của huyện, trục phía Nam TP, các trục cắt ngang cũng như tận dụng các xã vùng ven Đáy để thực hiện các dự án, ví dụ như xây dựng sân golf, du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt là quy hoạch vùng huyện phải bám sát quy hoạch Vành đai 4 để thúc đẩy phát triển đô thị xung quanh vành đai chiến lược này” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thanh Oai cần chú trọng quy hoạch vùng xanh song song với quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đối với các cụm công nghiệp làng nghề phải đảm bảo quy mô tối thiểu 15ha, các hộ vào cụm công nghiệp phải chuyển đổi từ hộ sản xuất thành DN. Đồng thời, khuyến khích mở rộng các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo quy mô tối thiểu 30ha, thu hút các DN lớn đầu tư.

Về phát triển nông nghiệp, huyện cần xác định quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, quy hoạch xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn. Từ đó, hướng tới xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, đáp ứng các tiêu chí quận sinh thái.

Về các kiến nghị của huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN&PTNT xây dựng quy định tạm thời về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn TP.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện giao cho một đầu mối, xây dựng danh mục ngành nghề, đối tượng trên địa bàn huyện để triển khai thực hiện hiệu quả.

Làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận những kết quả mà Thanh Oai đã đạt được. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid- 19, song các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện vẫn phát triển tương đối ổn định.

“Huyện Thanh Oai là huyện cận đô, đang trong quá trình phát triển mạnh, do đó cần quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển các trục đường giao thông huyết mạnh, trục giao thông xương cá, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hùng

Về xây dựng NTM nâng cao, huyện cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các tiêu chí NTM tại các xã, đặc biệt là các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, môi trường…

Đối với các kiến nghị của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đồng tình, nhất trí cao với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.

“Đối với các tiêu chí lên quận giai đoạn 2025 – 2030, Thanh Oai nên đưa vào quy hoạch vùng huyện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huyện thực hiện các tiêu chí lên quận” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Thanh Oai cần quan tâm quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất. Song song với đó, cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm đưa 3 cụm công nghiệp đã được TP phê duyệt đưa vào hoạt động chính thức.

Mặt khác, Thanh Oai cần quan tâm vấn đề môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho các DN, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, huyện chú trọng các giải pháp an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Riêng đối với với Dự án xây dựng quảng trường, công viên cây xanh Lạc Long Quân, bến xe tĩnh phục vụ lễ hội phi vật thể cấp Quốc gia, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các sở, ngành TP đặc biệt quan tâm chấp thuận chủ trương đầu tư và đưa vào kế hoạch đầu tư công của TP, bởi đây là dự án quan trọng góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh của Thanh Oai nói riêng và TP nói chung.