UBND TP Hà Nội đã có báo cáo tổng kết chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg và Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Trong đó, Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” trên địa bàn Hà Nội được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân tại Trại tạm giam số 2 do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Công an TP tổ chức |
Luật PBGDPL xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện… Thực hiện Luật, trong những năm qua, công tác PBGDPL cho các đối tượng này được các ngành, các cấp quan tâm đạt được kết quả bước đầu, với nhiều mô hình đa dạng, hình thức phong phú như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép phổ biến pháp luật trong các hoạt động giáo dục...
Theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, trong 4 năm qua, TP đã tổ chức gần 300 buổi tuyên truyền PBGDPL tại 2 trại tạm giam của Công an TP với hơn 30.000 lượt phạm nhân. Phạm nhân được học tập tại hội trường; các báo cáo viên pháp luật của Công an TP, Hội Luật gia TP... phổ biến những quy định của pháp luật về chính sách hình sự đối với người phạm tội; nội quy trại giam, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; những điểm mới của Bộ luật Hình sự; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống ma túy... Các nội dung phạm nhân quan tâm: Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, các quy định về xóa án tích…
Qua mỗi buổi tuyên truyền, các báo cáo viên pháp luật đã lồng ghép những bài học về giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách để mỗi phạm nhân tự hoàn thiện bản thân, cố gắng cải tạo tốt, sớm được tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, các cán bộ quản giáo thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của các can phạm, phạm nhân, tiến hành giáo dục chung tại các buồng tập thể, giáo dục riêng đối với từng đối tượng vi phạm nội quy, có biểu hiện tiêu cực, chống đối, tuyệt thực… nhằm ngăn chặn mọi hành vi vi phạm, không để xảy ra trốn, tình trạng chèn ép, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn chung, việc tăng cường PBGDPL lồng ghép với các nội dung của công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đã có hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng, đó là những người đang chấp hành hình phạt tù, các phạm nhân đang chấp hành án, những người đang cai nghiện ma túy... Họ được tiếp cận các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật của TP tham gia tuyên truyền PBGDPL tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên được cập nhật các nội dung mới nên kiến thức, trình độ hiểu biết và vận dụng pháp luật vào thực tế được nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, đối tượng của đề án bao gồm người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính... do vậy cần có sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để công tác tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao...