Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phổ biến pháp luật ở cơ sở tại Hà Nội: Đưa pháp luật vào cuộc sống

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” được triển khai trên địa bàn Hà Nội gần 7 năm qua được đánh giá là mô hình tốt, phù hợp với pháp luật và thực tiễn để thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Hội Luật gia Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức)

UBND TP Hà Nội đã có báo cáo tổng kết chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg và Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Trong đó, Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; đặc biệt là điểm nhấn mô hình “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở”.

Theo Hội Luật gia Hà Nội, mô hình “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” để thực hiện công tác xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý được Hội Luật gia Hà Nội xây dựng và triển khai hoạt động từ năm 2014 (thực hiện giai đoạn 1 của Đề án).

Đến tháng 6/2021 Hội Luật gia Hà Nội đã quyết định thành lập 50 “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” với 250 thành viên. Gần 7 năm qua, Hội Luật gia Hà Nội cùng với 50 Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã thực hiện 320 cuộc phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân ở cộng đồng dân cư của 320 xã, phường, thị trấn. Có 45.100 lượt người được phổ biến pháp luật; 3.360 người được trợ giúp pháp lý về các luật: Đất đai, dân sự, hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự…

Hội Luật gia Hà Nội thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)

Các tổ PBGDPL, trợ giúp pháp lý đều chủ động tham mưu cho Chi hội Luật gia và chính quyền xã (phường) xây dựng kế hoạch PBGDPL; xây dựng xã (phường) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Sau khi có kế hoạch, các thành viên trong tổ trực tiếp về thôn, tổ dân phố PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho người dân (mỗi năm mỗi tổ thực hiện gần 10 cuộc).

Nhiều thành viên của Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở (là luật gia, luật sư) hưởng ứng hai cuộc vận động của Thành hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tại nhà riêng hoặc tại văn phòng luật sư (mỗi luật gia mỗi năm tuyên truyền, PBGDPL và tư vấn pháp luật miễn phí cho khoảng 70 - 80 lượt người).

Ngoài ra, Hội Luật gia các quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ; Hoài Đức, Phúc Thọ thành lập Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý tại quận, huyện; chủ động nguồn báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho chính quyền và nhân dân trong quận. 100 Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn; Hội Luật gia các quận, huyện cử luật gia tham gia tiếp công dân và tư vấn giải quyết khiếu nại cho chính quyền và nhân dân.

Ngày 30/6/2021, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam

Qua đánh giá, mô hình “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” có cơ cấu tổ chức gọn (thành phần chủ yếu là các luật gia sinh hoạt tại chi hội luật gia cơ sở), có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng ở địa phương.

 “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân ở cộng đồng dân cư (thôn, tổ dân phố) giúp cho người dân hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cùng đó, thu hút được đông đảo hội viên luật gia tham gia vào hoạt động Hội, phát huy tiềm năng, chất xám và kinh nghiệm hoạt động của luật gia ở cơ sở; nâng cao vị trí, vai trò, tác dụng của tổ chức hội luật gia cũng như sự phối hợp với các cơ quan, đoàn thể ở địa phương.

Mô hình Tổ PBGDPL ở cơ sở được triển khai trên địa bàn Hà Nội gần 7 năm qua là mô hình rất tốt, rất phù hợp với pháp luật và thực tiễn để thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đưa pháp luật vào cuộc sống.