Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phổ cập chữ ký số: đột phá của Hà Nội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chữ ký số (CKS) cá nhân là một mảnh ghép quan trọng để người dân giao dịch trực tuyến toàn trình trên mạng, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Hà Nội.

Tích cực triển khai chữ ký số

CKS cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân nhằm xác thực danh tính của người ký. Đây là công cụ quan trọng, hữu ích giúp người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi không cần hồ sơ bản cứng, rút ngắn tối đa thời gian tiến hành giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo tính minh bạch trong quản lý, điều hành.

Trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh về việc triển khai CKS: mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 là trên 70%. Như vậy, CKS cá nhân là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.

Thủ đô đang từng bước phổ cập chữ ký số.  
Thủ đô đang từng bước phổ cập chữ ký số.  

Từ cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP Hà Nội đã quán triệt sâu sắc tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với yêu cầu phải tăng cường "chuyển đổi số" tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại.

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ. Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia DVCTT của TP.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết: TP đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cấp CKS miễn phí cho người dân để thực hiện thủ tục hành chính; giao dịch điện tử; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của CKS và sử dụng CKS trong các thủ tục hành chính.

Tính đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố; gần 50.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các DVCTT, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Ứng dụng tối đa CKS trong hoạt động của chính quyền

Nói về việc ứng dụng CKS trong hoạt động của Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, việc vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP phải bảo đảm đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định. Đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp DVCTT theo chỉ đạo của TP.

Trong đó, toàn bộ dữ liệu của công dân, doanh nghiệp được số hóa, xác thực bằng chữ ký số của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiếp tục được lưu trữ trên kho dữ liệu, phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính lần sau thuận tiện, nhanh chóng, đúng quy định.

Theo Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang: đơn vị đã triển khai cấp 155 CKS cá nhân (đạt 100%) cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND TP. Bên cạnh đó, kể từ tháng 9/2023, Văn phòng UBND TP đã tiến hành xử lý văn bản điện tử toàn trình có gắn CKS cá nhân của người có thẩm quyền là lãnh đạo Văn phòng UBND TP đối với tất cả văn bản, hồ sơ công việc thuộc thẩm quyền ban hành của Văn phòng trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP.

Về phía ngành nghề khác, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết: Sở đang đẩy mạnh CKS cho cán bộ, giáo viên nhằm hoàn thành thí điểm học bạ số cấp tiểu học theo đúng kế hoạch mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã để ra.

Theo đó, 100% các trường tiểu học đã trang bị CKS cá nhân cho hiệu trưởng và CKS của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% đã đăng ký CKS cá nhân.

Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu và đưa giải pháp mở rộng triển khai cho các cấp học khác.

Hơn 20.000 CKS được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và người lao động là kết quả đáng ghi nhận của UBND quận Hai Bà Trưng. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc cho rằng: công tác tuyên truyền, vận động đăng ký cấp CKS là một việc làm cần thiết đã đem tới hiệu quả thiết thực đi vào cuộc sống trong việc hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công “không giới hạn về không gian, thời gian”.

Ông Phan Văn Phúc chia sẻ: việc cấp CKS rộng rãi sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và giảm tải công việc cho cán bộ. Để CKS được phổ cập thì mỗi cán bộ, công chức từ cấp phường cần là một tuyên truyền viên, gương mẫu đi đầu kích hoạt, sử dụng CKS thực hiện DVCTT.

Là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các DVCTT, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền, cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành được các cấp chính quyền TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Hà Nội đã quyết liệt, nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo điều hành, tích cực cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Theo đó, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, bổ sung, sáng tạo các mô hình nhằm giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội mong muốn các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn TP cùng chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của chuyển đổi số; mục tiêu hướng tới người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả, quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến, Thủ đô di sản.