Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phổ cập đội mũ bảo hiểm cho học sinh: Gia đình đóng vai trò chủ công

Thượng úy Trần Ngọc Trung - Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh (HS) đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp như phát MBH cho HS lớp 1 và phạt tiền, hạ hạnh kiểm… những trường hợp cố tình vi phạm. Thế nhưng, tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội MBH khi tham gia giao thông vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Lực lượng chức năng ghi biên bản xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
Khi người lớn coi thường tính mạng con trẻ
Để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông nói chung và trẻ em từ 6 tuổi trở lên, quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe mô tô phải đội MBH đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ.
Khi đã được luật hóa, tất cả các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Và để quy định trên đi sâu vào cuộc sống, các lực lượng chức năng đã huy động sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chấp hành các quy định, đặc biệt là việc đội MBH cho trẻ từ 6 tuổi trở lên còn rất hạn chế.
Sau 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH cho người đi mô tô, xe máy, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em hiện nay còn thấp, mới chỉ ở mức 35 - 40%. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, tỷ lệ cao gần gấp 3 lần so với các nước trong khu vực.

Theo ghi nhận tại một số cổng trường tiểu học như Định Công (quận Hoàng Mai), Khương Thượng (quận Đống Đa), Xuân La (quận Tây Hồ)… tình trạng các bậc phụ huynh chở con đến trường không đội MBH vẫn diễn ra khá phổ biến. Phần lớn các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đội MBH cho mình mà "quên" đội mũ cho con. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp dù nhận thức được hành vi vi phạm, song vẫn cố đưa ra mọi lý do để xin bỏ qua như vội quá nên quên, nhà gần trường...
Dẫu vậy, khi dừng xe kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phải xử lý theo quy định nhằm tạo sức răn đe và thay đổi ý thức của người dân. Có trường hợp, chính trẻ em lại "tố" hành vi vi phạm của cha mẹ. Ví như, trong đợt ra quân kiểm tra trên đường Tôn Thất Tùng mới đây, khi cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, một phụ huynh nói do “vội quá nên quên”, thế nhưng, chính cậu con trai lại mếu máo: “Con đã bảo đợi con lấy MBH mà bố không nghe”.
Trách nhiệm của mỗi gia đình
Nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội MBH, các lực lượng chức năng đã và đang thường xuyên tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thời điểm vi phạm diễn ra tập trung nhất cũng là giờ cao điểm, việc dừng xe kiểm tra, xử lý nếu không khéo có thể gây ra tác dụng ngược.
Để việc nâng cao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em từ 6 trở lên, ủy ban ATGT Quốc gia vừa triển khai chương trình trao tặng đồng loạt MBH cho tất cả các em HS bước vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 trên cả nước. Đây là một trong những biện pháp được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến nhận thức phụ huynh học sinh và cộng đồng nói chung về việc đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, vấn đề ở đây không phải là có hay không có MBH mà là ý thức của các bậc phụ huynh. Bởi giá của một chiếc mũ không lớn, nhiều gia đình đã trang bị MBH cho các em HS, nhưng chỉ đội được vài lần, qua tháng cao điểm về ATGT rồi lại vứt xó.
Do đó, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải tự giác, chủ động nhắc nhở, đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng cần tăng cường tuyên truyền, có biện pháp nhắc nhở, xử lý đối với những trường hợp HS không đội MBH khi tham gia giao thông.