Phổ cập nhạc cổ điển: Ý tưởng xa vời?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian nghỉ Tết, 16/2 này cuộc thi "Chinh phục đỉnh cao" - chương trình truyền hình thực tế về opera đầu tiên tại Việt Nam sẽ trở lại lúc 21 giờ 15 phút.

Dù đã đi gần 1/3 chặng đường, dù nỗ lực làm ngắn lại khoảng cách giữa nhạc bác học và công chúng, song ở thời điểm này người ta vẫn không thôi nghi ngại: Ý tưởng phổ cập nhạc cổ điển rất xa vời.

Hát nhạc cổ điển bằng sở trường pop, rock…

8 ca sĩ Ngọc Khuê, Khánh Linh, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Anh, Nathan Lee, Hồ Trung Dũng, Bùi Anh Tuấn, Võ Hạ Trâm đã bước lên "đấu trường" opera bằng những chất giọng sở trường riêng, người mang "chất" rock, người mang chất pop, người lại nặng về dân gian đương đại. Họ được các chuyên gia opera huấn luyện riêng trước khi bước vào từng đêm thi của 8 vòng thi: Opera cổ điển, ca khúc thính phòng, rock opera, ca khúc bán cổ điển, nhạc kịch đương đại, opera và nhạc điện tử, nhạc kịch cổ điển, opera marathon… Tuy nhiên, sau 2 cuộc thi tài đầu tiên, cảm nhận chung mà các giọng ca mang lại cho công chúng chỉ là sự nỗ lực hát bằng cảm xúc và sở trường là chất giọng. Như nhận định của nhiều người trong giới chuyên môn: Chất opera còn rất mờ nhạt! Và kiểu hát opera bằng sở trường pop, rock… này sẽ còn tiếp tục, thậm chí rõ nét hơn trên sân khấu đêm 16/2 tới khi opera được kết hợp với nhạc điện tử. Ở đó, các bài hát opera kinh điển được hòa âm lại theo các phong cách nhạc electronic như dance, chill-out... 

Một nghệ sĩ "trong nghề opera" còn thẳng thắn nói rằng, xem chương trình cảm thấy như người ta đang cố "gọt" opera cho "vừa giọng" ca sĩ. Là bởi chỉ thấy 1 - 2 tiết mục của ca sĩ đúng là opera, nhưng việc xử lý kỹ thuật giọng hát lại vô tình "làm hỏng" opera. Điển hình là trường hợp ca sĩ Nathan Lee trong khúc hát Duca trích trong vở "Rigoletto" - bản nhạc dành cho giọng nam cao đã bị hạ 4 tông cho vừa với giọng nam trung của người hát. Nghệ sĩ này còn cho rằng, "Chinh phục đỉnh cao" nên xác định rõ ràng dùng loại opera nào, chứ không thể "đánh đồng" opera cổ điển và đương đại như vậy. Phải chăng là bởi trên sân khấu opera ấy đang dành đất cho các giọng ca "ngoại đạo" opera trình diễn các tác phẩm kinh điển bằng sở trường pop, rock, dân ca… của mình?
Khánh Linh trong chương trình “Chinh phục đỉnh cao”.
Khánh Linh trong chương trình “Chinh phục đỉnh cao”.
Đỉnh cao vẫn khó chinh phục

Đa số các ca sĩ tham gia cho rằng, "Chinh phục đỉnh cao" là một trải nghiệm và là một thử thách mà họ muốn vượt qua bởi opera là thể loại khó hát và cũng không dễ tìm khán giả. "Đích" của các ca sĩ không phải là làm thế nào để hát cho giống opera nhất, mà là hát sao để thể hiện chất riêng của mình với opera. Như vậy thì liệu opera có còn là chính nó hay không? Và như vậy thì mục đích đưa thể loại âm nhạc bác học này tới gần công chúng Việt Nam có được "lái" đúng đường? Không phải ngẫu nhiên mà có người trong giới chuyên môn thẳng thắn: Yêu cầu của opera là phải hát bằng giọng hát thật, có khi ca sĩ phải hát với cả dàn nhạc lên tới 100 người. Opera mà dùng micro sẽ khác ngay, không còn là opera nữa. Giữa opera thật và opera kiểu chương trình này khác nhau xa lắm. Yêu cầu khắt khe là vậy, nên khi mình không làm được opera thật thì nên giải thích để khán giả hiểu. Chứ cứ đánh đồng thế này, khán giả cứ tưởng opera thực sự là như thế thì rất nguy hiểm.

Hơn thế, nếu muốn làm "trọng trách" phổ cập nhạc cổ điển thì ngoài phổ biến bài hát, người ta còn cần phổ biến (bằng hình thức nào đó) "cái sự hiểu" về thể loại này cho công chúng. Đằng này, người Việt nghe hát tiếng Anh, tiếng Ý, lại trên một nền opera chưa dám chắc "đã là chuẩn", vậy thì sự thưởng thức cũng bị đi "chệch" đường. Người ta đã nhìn thấy trên sân khấu này một vài lời cung cấp kiến thức rất quý giá về thể loại mà MC Thanh Bạch gửi tới khán giả, người ta cũng nhận ra sự cảm nhận âm nhạc dễ dàng hơn khi ca sĩ Bùi Anh Tuấn hát nhạc cổ điển bằng tiếng Việt… Nhưng tất cả mới chỉ là những nét chấm phá trong sự thưởng thức còn dè dặt của công chúng ở thể loại này.

Không phủ nhận, "Chinh phục đỉnh cao" là một chương trình hoành tráng, sang trọng, công phu, cũng không phủ nhận nỗ lực của người làm chương trình để cho khán giả thấy opera hoàn toàn có khả năng có một đời sống mới trong không gian đương đại khi kết hợp với các thể loại âm nhạc hiện đại. Song để đi đến được "đích" phổ cập nhạc cổ điển còn rất xa xôi - dù đây là mục tiêu hướng tới của người làm âm nhạc trong nước để đưa nhạc Việt hội nhập với thế giới.                 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần