Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế xúc phạm dân: Xin lỗi là xong?

Chia sẻ Zalo

Hành động và lời lẽ thô tục của vị Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã làm vấy bẩn hình ảnh cán bộ công chức trong cơ quan Nhà nước.

Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ va chạm giao thông trên phố Hà Nội. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu vụ việc được giải quyết một cách ổn thỏa, có văn hóa. Và điều khiến dư luận quan tâm, bức xúc là vì nhân vật chính trong những bức hình này là một quan chức của Bộ Y tế.

Anh ta xuất hiện với những hình ảnh và lời lẽ thô tục “văng” ra để giải quyết vụ va chạm. Bộ Y tế cũng đã lên tiếng xác nhận người trong hình có nét mặt hằm hằm, chỉ thẳng tay vào mặt một phụ nữ là cán bộ của Bộ. Công an phường sở tại cũng đã lên tiếng xác nhận về vụ việc và cho biết thêm, vị nam giới này còn có cả lời lẽ thô tục, xúc phạm công an làm nhiệm vụ.
Hình ảnh vị quan chức Bộ Y tế được lan truyền trên mạng
Hình ảnh vị quan chức Bộ Y tế được lan truyền trên mạng
Bộ Y tế cho biết, đã yêu cầu vị cán bộ này xin lỗi người bị xúc phạm trong vụ va chạm. Lời xin lỗi có thể làm nguôi ngoai những bực dọc của người trong cuộc, của người bị xúc phạm nhưng điều quan trọng là hình ảnh cán bộ công chức Nhà nước đã bị vị quan chức này bôi bẩn, làm hoen ố.

Làm đến chức vụ Phó Chánh Văn phòng của một Bộ cũng có nghĩa là đã phải kinh qua nhiều vị trí công tác. Đặc biệt, văn phòng giống như bộ mặt của một cơ quan, đơn vị. Cơ quan đó hay, dở thế nào tùy thuộc rất lớn vào bộ mặt của văn phòng. Không biết ở cơ quan, vị Phó Chánh văn phòng này uống rượu vào có hay nhục mạ, phỉ báng nhân viên hay không chứ ra đường có va chạm giao thông mà hành xử như vậy thì thật khó chấp nhận.

Dư luận bức xúc khi cách hành xử thiếu văn hóa là của môt trí thức và càng bức xúc hơn khi vị trí thức, lãnh đạo này lại làm việc trong cơ quan y tế, một cơ quan quản lý sức khỏe của người dân và toàn xã hội. Những năm qua, vấn đề y đức xuống cấp nghiêm trọng. Là cán bộ quản lý ngành mà anh có cách hành xử như vậy thì dư luận không có gì khó hiểu khi gặp những vị bác sĩ có thái độ bặm trợn như “đồ tể”, coi thường người bệnh. Âu cũng là hệ quả của việc “Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào”.

“Lương y như từ mẫu” – lẽ ra khi va chạm giao thông, là người làm trong lĩnh vực y tế, việc mà vị Phó Chánh Văn phòng Bộ phải quan tâm đầu tiên là mọi người trong vụ va chạm có ai bị thương hay bị làm sao hay không, đằng này, anh ta lại vỗ ngực, ra oai chửi mắng “con dân” mà không biết rằng việc làm của mình đã vượt quá chuẩn mực của một con người bình thường chứ chưa nói tới vị trí của anh ta trong cơ quan Nhà nước.

Lâu nay, các vị lãnh đạo vẫn băn khoăn, lo lắng khi quản lý xã hội vì dân trí của ta thấp. Nhưng trong câu chuyện này, rõ ràng là “quan trí” đang rất có vấn đề, là quan chức mà lại có thói hành xử côn đồ. Trong khi nhiều người dân, thậm chí người có học vấn thấp, nhưng họ hành xử rất văn hóa, có tình có lý.

Trong câu chuyện của vị Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế, anh này có uống rượu buổi trưa nên không làm chủ được hành vi. Vậy là sai lầm này kế tiếp sai lầm khác. Chính phủ đã có hẳn một chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa từ năm 2013. Tình trạng này thời gian qua có giảm bớt nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Bởi vấn nạn rượu bia trong giới cán bộ, công chức vẫn đang tiếp diễn rất nhiều tại các cơ quan.

Dư luận rất mong Bộ trưởng Y tế sẽ xử lý nghiêm, công khai cán bộ công chức của mình khi vi phạm để làm gương cho những kẻ khác, đồng thời “xốc” lại hình ảnh người công chức trong mắt người dân. Bởi nếu khi công chức vi phạm mà cứ kiểm điểm với rút kinh nghiệm là xong thì tạo tiền lệ rất đáng lo ngại. Quan chức trong một cơ quan trung ương mà còn hành xử như vậy thì người dân còn biết tin ai?/.