Bước vào thế kỷ 21, thế giới nói chung và khu vực Châu Á-TBD nói riêng đã chứng kiến những thay đổi to lớn về chất, có những thách thức, cơ hội đan xen. Cùng với sự phát triển của ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện đã được thúc đẩy mạnh mẽ với sự tham gia tích cực của các nghị sỹ tại các tổ chức, diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện thế giới, Diễn đàn Nghị viện Châu Á-TBD và Hội đồng nghị viện ASEAN.
Từ ngày 18-21/1, Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APPF) tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, phóng viên Lê Tuyết phỏng vấn ông Vũ Hải Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
PV: Thưa ông, từ ngày 18-21/1, Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị APPF-26 với sự tham gia của 27 nước thành viên. Vậy, chủ đề và thông điệp mà Hội nghị lần này đưa ra là gì?
Ông Vũ Hải Hà: Được sự tín nhiệm của các nước thành viên, chúng ta đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-26 với chủ đề: “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững”. Chủ đề này gắn với tình hình khu vực hiện nay, chúng ta rất cần môi trường để phát triển và ổn định.
Với sự phát triển của công nghiệp 4.0 thì sáng tạo để phục vụ phát triển rất quan trọng đối với hợp tác khu vực. Các nghị sỹ sẽ trao đổi về vấn đề này và bàn bạc đưa ra những biện pháp để thúc đẩy chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, việc tổ chức APPF đối với Việt Nam cũng thể hiện tinh thần, đường lối đối ngoại của chúng ta đã được Đại hội Đảng XII thông qua là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Với việc tổ chức APPF lần này chúng ta cũng mong muốn cho bạn bè thế giới thấy, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đất nước Việt Nam phát triển năng động và Quốc hội Việt Nam đổi mới, không ngừng hội nhập với bạn bè quốc tế.
PV: Hội nghị APPF-26 sẽ có 3 phiên thảo luận liên quan đến vấn đề Chính trị và An ninh; Vấn đề kinh tế và thương mại; Hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung các phiên thảo luận này sẽ có tác động như thế nào trong bối cảnh thế giới hiện nay, thưa ông?
Ông Vũ Hải Hà: Các nghị sĩ đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy. Họ phải hoạt động và phản ánh được ý chí của nhân dân tại diễn đàn. Với mong muốn đó, chúng ta muốn cùng các bạn trong khu vực trao đổi, bàn những biện pháp để làm sao xây dựng môi trường hòa bình, ổn định thông qua kênh ngoại giao nghị viện.
Về vấn đề kinh tế thương mại, Hội nghị APEC vừa rồi có thông điệp rất mạnh mẽ để thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực. Do vậy, vai trò của nghị viện rất quan trọng trong việc thể chế hóa, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế.
Còn hợp tác trong khu vực là các vấn đề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu. Bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hay các vấn đề an ninh lương thực, phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia là những vấn đề mà các nghị sỹ rất quan tâm để thảo luận trong dịp này, đưa ra biện pháp cụ thể góp phần cùng nhau giải quyết những vấn đề của khu vực và toàn cầu.
PV: Cho đến thời điểm này, với tư cách là nước chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã có những sự chuẩn bị như thế nào cho Hội nghị quan trọng này, thưa ông?
Ông Vũ Hải Hà: Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, chúng ta đã tiếp nhận chức Chủ tịch APPF-26 từ nước chủ nhà nhiệm kỳ trước đó là Fiji. Từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã thành lập các cơ cấu tổ chức, các tiểu ban.
Về nội dung trên cơ sở chương trình, nội dung đã được thông qua mà chúng ta đưa ra các chủ đề được thảo luận trong từng phiên. Với chủ đề đó, Việt Nam đã giới thiệu 6 dự thảo nghị quyết liên quan đến các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hợp tác trong khu vực, an ninh lương thực, phát huy các giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch. Đó là những vấn đề không chỉ Việt Nam quan tâm mà các nước khu vực cũng rất quan tâm.
Ngoài ra các nước cũng giới thiệu dự thảo nghị quyết thuộc các vấn đề liên quan. Đến thời điểm hiện nay, kể cả 6 dự thảo nghị quyết của Việt Nam, tổng số chúng tôi đã nhận được 41 dự thảo nghị quyết. Điều này thể hiện các nước rất quan đến chủ đề nghị sự lần này.
Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương, cùng với đó, thế giới cũng đang rất tích cực thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cùng với kết quả của Hội nghị APEC vừa rồi, chúng tôi cũng đề xuất với các nghị viện thành viên ra một tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn mới trong quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương để góp phần thúc đẩy những mục tiêu đã được đề ra của chương trình Nghị sự 2030, cũng như các cam kết mà các nước đã cùng nhau tuyên bố tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.