Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp: Cần định hướng chiến lược cho từng giai đoạn

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường BĐS có vai trò quan trọng, là động lực phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên, tình trạng tăng nóng về giá BĐS sẽ gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế. Vì vậy, để thị trường ổn định Nhà nước cần phải định hướng chiến lược cho từng giai đoạn phát triển.

 Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp.

Cá nhân ông nhìn nhận thế vào về việc giá nhà đất bất ngờ tăng nóng trên thị trường, thưa ông?

- So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á, giá nhà đất ở Việt Nam vẫn thấp hơn, nên việc tăng giá là xu thế tất yếu, mang tính quy luật. Nếu như sản phẩm căn hộ, nhà ở mức tăng ổn định hơn thì đất nền lại luôn tăng nóng, do quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giới đầu tư buộc phải đi tìm cơ hội khác ở vùng ven, khiến giá đất ở đây tăng nhanh. Điều này xuất phát từ việc nhà đầu tư ở Việt Nam rất ưa rót vốn vào đất nền, kể cả sốt ảo hay sốt thật cũng đều thu hút một lượng lớn nhà đầu tư "phong trào" tham gia. Hầu hết những cơn sốt đất tốc độ tăng giá phi mã chỉ trong vài tuần, nhưng đây chỉ là sốt ảo và chiêu trò của cò đất thổi giá tạo sóng.

Việc tăng giá BĐS như vậy ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội?

- Việc tăng giá đất có 2 mặt, về tích cực giá đất ở đâu tăng sẽ làm cho giá trị sản phẩm xã hội ở khu vực đó tăng theo, kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Điều này đúng khi khu vực đó đã được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, BĐS có giá trị sinh lời từ kinh doanh, dịch vụ. Nhưng với những khu vực chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, việc tăng giá dựa vào thông tin quy hoạch, xây dựng hạ tầng, mở rộng đô thị... Ở những nơi này, đầu nậu, cò đất ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến người bình thường khó phát hiện ra, như việc giả làm nhà đầu tư thật, mua tranh, tạo khan hiếm, nhưng thực chất chỉ giao dịch ảo.

Việc tăng giá đất ở những khu vực như vậy sẽ làm bất ổn thị trường, khi “cơn sốt” đi qua giá đất sẽ giảm. Người “ôm” đất không thể thanh khoản được sản phẩm đã giao dịch sẽ bị “chôn vốn”, nếu phải vay vốn ngân hàng sẽ không có khả năng đáo hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu. Các DN không dám vào đầu tư vì chi phí đầu tư bị đẩy lên cao, khó bán hàng.

Vậy đâu là giải pháp để thị trường BĐS ổn định và trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế, thưa ông?

- Ở một số nước, Chính phủ sẽ bố trí quỹ nhà đất dự trữ, khi giá BĐS tăng cao sẽ dùng nguồn dự trữ để bình ổn thị trường. Việt Nam chưa thể thực hiện điều này.

Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn cần sự can thiệp từ Nhà nước, giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện cho DN hoạt động, đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí thị trường, quyền lợi người tiêu dùng và cảnh báo nếu có nguy cơ gây ra hệ quả xấu. Đặc biệt là việc định hướng chiến lược, đưa ra mục tiêu từng giai đoạn phát triển, không để gãy khúc, sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá BĐS bị đẩy giá lên. Thị trường BĐS chỉ chiếm tỷ trọng 25 - 30% GDP, nhưng là động lực của nền kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nếu xảy ra vấn đề sẽ làm nghiêng ngả cả nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần