Phó Chủ tịch HĐND TP: Siết chặt quản lý nhà, đất vào mục đích kinh doanh

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đề nghị, trong sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính khẩn trương đôn đốc các đơn vị rà soát, hoàn thiện đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê...

Thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP Hà Nội, hôm nay, 17/6, Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quý Tiên làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Sở Tài chính Hà Nội.

Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo các Ban, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP; các sở, ban, ngành liên quan của TP...

Quang cảnh buổi giám sát tại Sở Tài chính Hà Nội
Quang cảnh buổi giám sát tại Sở Tài chính Hà Nội

Tại đây, qua báo cáo của lãnh đạo Sở Tài chính và các ý kiến trao đổi, Đoàn giám sát ghi nhận kết quả đạt được của Sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP. Đáng chú ý, Sở đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện các quy định của T.Ư trong công tác quản lý tài sản công qua nhiều giai đoạn, có những nội dung sửa đổi, bổ sung đã được Sở tham mưu điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, tham mưu, ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan quản lý sử dụng tài sản công là nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP; phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu Thành ủy, HĐND TP và UBND TP các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định. Cùng đó, công tác sắp xếp lại và xử lý nhà, đất được Sở quan tâm triển khai, tham mưu UBND TP nhiều nội dung để thực hiện trong toàn TP, góp phần giúp quản lý tài sản công là trụ sở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của TP và tài sản là nhà đất thuốc ở sở hữu Nhà nước của TP được đồng bộ, thống nhất.

Cụ thể, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất lên đến trên 43 triệu m2, diện tích nhà 9,9 triệu m2. Đồng thời, báo cáo UBND TP xử lý đối với cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng mục đích kể từ thời điểm Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực là 653 cơ sở với 5,8 triệu m2 đất và trên 359 nghìn m2 nhà, trong đó từ đầu năm 2018 đến nay tham mưu TP phê duyệt 427 cơ sở nhà đất (diện tích trên 1,2 triệu m2 đất và trên 225.000m2 nhà). Bên cạnh đó, đã tham mưu UBNDTP các phương án tổng thể bố trí, sắp xếp lại các khu liên cơ, trụ sở các sở, ban, ngành TP; ban hành Quyết định thanh lý theo thẩm quyền với trên 155 nghìn m2 nhà của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc khối sở, ban, ngành thuộc TP với tổng nguyên giá trên 202 tỷ đồng. Ngoài ra, đã rà soát 40 đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất để liên doanh liên kết tại các đơn vị SNCL, bước đầu đạt hiệu quả tích cực với 4/40 đề án đã được UBND TP phê duyệt; phối hợp các sở, ngành TP theo dõi, đánh giá về tình hình quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà được UBND TP giao 4 cơ quan, DN quản lý (gồm quỹ nhà chuyên dùng, các tòa chung cư tái định cư)…

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu ra một số vấn đề đề nghị lãnh đạo Sở Tài chính làm rõ, nhất là cần cung cấp thông tin liên quan trách nhiệm của Sở được quy định trong việc tham mưu giúp việc cho UBND TP quản lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của TP. Với vai trò “tổng quản” trong quản lý tài sản công là nhà, đất của TP, Sở cần thống kê những tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu TP quản lý hiện nay về địa điểm, diện tích, phân loại…, nhất là liên quan cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xác định những tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng thuộc thẩm quyền TP quyết định và căn cứ đó mới xác định được tiêu chuẩn định mức đối với từng cơ quan đơn vị để làm căn cứ cho việc rà soát sắp xếp…

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến
Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến

Thay mặt Đoàn giám sát phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên ghi nhận những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại hạn chế cần khắc phục tại Sở Tài chính trong thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP. Từ đó, nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đối với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị trong sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính cần khẩn trương thống kê tổng số cơ sở nhà, đất là tài sản công cần được sắp xếp lại, xử lý trong kỳ giám sát, số cơ sở đã hoàn thành theo quy định, số cơ sở chưa hoàn thành, nêu rõ nguyên nhân và tiến độ thực hiện; đôn đốc các đơn vị rà soát, hoàn thiện đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và có biện pháp, lộ trình giải quyết, thẩm định các hồ sơ trình UBND TP phê duyệt cụ thể. Cùng đó, tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các đơn vị SNCL, kiến nghị giải pháp liên quan công tác sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết. Đối với quỹ nhà chuyên dùng, nhà tái định cư, Sở cần khẩn trương có các biện pháp tăng cường thực hiện rà soát, thẩm định giá thuê nhà chuyên dùng và định mức chi phí công tác quản lý nhà theo cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ trong công tác quản lý nhà chuyên dùng; giá khởi điểm đấu giá các diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư và các nội dung liên quan; trình UBND TP theo quy định.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận giám sát
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận giám sát

Song song đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị, Sở chủ trì nghiên cứu, tham mưu UBND TP thực hiện phân cấp về quản lý, tài sản công đối với tài sản là quỹ nhà, quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP nhằm tăng cường trách nhiệm đến các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và DN trong công tác quản lý tài sản công; tăng cường công tác phối hợp, chủ động hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị, tổ chức cá nhân.