Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Điểm tựa tạo nên khí phách người Hà Nội

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 65 năm nhìn lại, nhiều bài học lịch sử làm nên “ngày khải hoàn” 10/10/1954 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, Nhân dân Thủ đô chính là điểm tựa để Hà Nội tiếp tục phát triển.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong cuộc trò chuyện với Kinh tế & Đô thị về những ngày tháng Mười lịch sử này.
Dấu ấn không phai mờ
Để làm nên “ngày khải hoàn” ấy, theo Giáo sư, có những bài học lịch sử nào làm nên chiến thắng vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay?
- Trước hết, chúng ta phải trở lại thời điểm lịch sử đó, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Sau cuộc trường chinh 9 năm, Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Trong số các bài học lịch sử làm nên “ngày khải hoàn” ấy chính là tinh thần, quyết tâm cho chiến thắng, cho độc lập tự do của cả dân tộc và người dân Hà Nội lúc đấy đã cháy bùng lên, khiến cho quan Pháp khi đó dù có trang thiết bị tối tân cũng không thể nào tiêu diệt được lực lượng kháng chiến, cách mạng ở ngay trong lòng Hà Nội.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, nghe lại bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, tôi càng thấm thía câu hát “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về”. “Sức dân tộc” ấy chính là sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí quyết chiến quyết thắng, của ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” như tượng đài của tinh thần yêu nước và khí phách người Hà Nội.
Đấy có lẽ chính là ý nghĩa lịch sử cốt lõi nhất, bao trùm nhất trong cuộc đấu tranh chúng ta đã giành thắng lợi và trở về trong niềm vinh quang bất tận. Tinh thần của ngày tiếp quản Thủ đô không chỉ dừng lại ở ngày 10/10/1954, mà mãi về sau vẫn được nhân lên và tiếp nối. Bởi đó chính là cội nguồn sức mạnh của Thủ đô, của đất nước và của dân tộc.
 Nhân dân Hà Nội đón Đoàn quân về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.
Vậy thưa Giáo sư, khí phách ấy của người Hà Nội đã được thể hiện thế nào qua những câu chuyện lịch sử trong những năm tiếp theo góp sức cùng cả nước làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, cũng như công cuộc đổi mới và phát triển hôm nay?
- Tinh thần “quyết tử cho Tổ quyết sinh”, tinh thần “đem vinh quang sức dân tộc trở về” để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội tiếp tục được nhân lên với tầm rất cao. Khi chúng ta chuyển sang nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội chính là hậu phương tiêu biểu, quan trọng nhất.
Theo tôi, lúc đó có hai phong trào được khởi phát từ Hà Nội đã thành làn sóng mãnh liệt trong cả nước, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, huy động cao độ sức đóng góp vào công cuộc chống Mỹ cứu nước là phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và phụ nữ “Ba đảm đang”. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là Hà Nội chỉ có những chiến công thầm lặng phía sau, mà chiến công và khí phách của người Hà Nội đã thể hiện đậm nét nhất, tạo thành kỳ tích chính là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của 12 ngày đêm năm 1972, buộc Chính phủ Mỹ khi đó phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối. Sức mạnh ấy là tầm cao của thời đại, là những dấu không bao giờ phai mờ.
“Vinh quang sức dân tộc” tiếp tục soi đường
Ngay trong những ngày đầu trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn về Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Vậy dưới góc nhìn của một nhà sử học, theo Giáo sư, trong 65 năm cũng như công cuộc đổi mới và phát triển hôm nay, Hà Nội đã thực hiện được lời dặn dò của Bác như thế nào?
- Trước hết phải khẳng định, Hà Nội đã làm được. Chúng tôi là những người được đi qua những giai đoạn phát triển ấy của Hà Nội mới thấy được những đổi thay mạnh mẽ. Những năm 90 của thế kỷ trước Hà Nội vẫn còn nghèo, nhưng chỉ vài năm sau đã cơ bản nhảy vọt, phát triển khá ngoạn mục cả về bộ mặt đô thị và tốc độ phát triển kinh tế. Đến nay, Hà Nội đã thực sự trở thành một Thủ đô văn hiến, anh hùng, hòa bình, văn minh và hiện đại
Vậy nếu tính từ cột mốc năm 1954, đâu là những điểm nổi bật trong quá trình phát triển của Hà Nội mà Giáo sư thấy ấy tượng nhất?
- Phát triển là kết quả của cả quá trình, nhưng tôi ấy tượng nhất là Hà Nội đã thực hiện thành công việc mở rộng địa giới hành chính. Năm 2008 khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, không phải không có những băn khoăn, bởi lúc đó Hà Nội đang trong tốc độ phát triển mạnh, lại “ôm” lấy cả vùng nông thôn lớn. Đồng thời, thời điểm đấy cũng bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới nên dẫn đến những hoài nghi. Nhưng tôi cho rằng, Hà Nội đã có quyết tâm cao, đã đi đúng hướng và trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, vẫn có những bước tiến ngoạn mục.
Đặc biệt, với việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tất cả đã vào guồng để cùng phát triển, để đến nay từ một đô thị chật hẹp với một số quận lõi, Hà Nội đã mở ra cả bốn phía, nhiều huyện ven đô cũng đang trở thành những đô thị lõi, tích hợp vào các quận như một đô thị mới phát triển. Đặc biệt, Thủ đô đã phát triển sang cả hai bên sông như xu thế của các đô thị lớn trên thế giới…
Một điểm tôi ấn tượng nữa là kết quả xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội. TP đã có quyết tâm rất cao trong thực hiện nội dung này. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu chỉ thực hiện đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các vùng nông thôn đã là đô thị khá phát triển, không còn là nông thôn thuần túy nữa.
Do đó, xây dựng nông thôn mới chính là một hướng phát triển của vùng nông thôn Hà Nội và là cơ sở cho vùng đô thị phát triển mạnh hơn, góp phần thực hiện ước mơ xây dựng Thủ đô hàng đầu cả nước và có vị thế lớn trên thế giới, cũng là thực hiện những lời Bác đã dặn.
Thưa Giáo sư, từ kết quả đã có, Hà Nội hôm nay cần tiếp tục làm gì để phát huy truyền thống một Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình?
- Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề Hà Nội cần dồn tâm, dốc sức vào giải quyết, từ quy hoạch, quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường đến các vấn đề giao thông, văn hóa… Thay vì phát triển nóng, Hà Nội phải định hình rõ nét hơn con đường phát triển bền vững, xây dựng được mô hình quản lý của chính quyền đô thị.
Theo tôi, mỗi dịp tháng Mười, chúng ta kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ để nhắc nhớ công lao của những người đi trước, mà còn là dịp để tiếp tục lan tỏa tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội trong điều kiện ngày nay. Có thể hiện yêu cầu, hoàn cảnh đã khác, nhưng tôi tin rằng, cái khí phách luôn vượt lên khó khăn, “vinh quang sức dân tộc” vẫn tiếp tục soi đường, luôn là nguồn lực tiếp tục dẫn dắt chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!