Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn: Các chung cư cũ tại quận Hai Bà Trưng sẽ không bị "bỏ quên"

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Tất cả chung cư cũ tại quận Hai Bà Trưng như ở Trại Găng (phường Thanh Nhàn), KTT Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai)… đều được nằm trong Kế hoạch của TP Hà Nội về cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, không bị "bỏ rơi" hay "bỏ quên" để ngày càng xuống cấp" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng sáng nay (21/7).

Sáng nay (21/7), tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 4) đã tiếp xúc các cử tri quận Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XVI. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính UBND quận Hai Bà Trưng đến điểm cầu tại 18 phường trên địa bàn quận.
Tại đây, đại diện tổ đại biểu đã thông tin cho các cử tri về kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm của TP; báo cáo của UBND TP trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa XV (gồm những kiến nghị chung và kiến nghị liên quan quận Hai Bà Trưng).
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại điểm cầu chính UBND quận Hai Bà Trưng 
Quan tâm nhiều về tiêm vaccine phòng Covid-19, cải tạo chung cư cũ
Đáng chú ý, đã có 4 cử tri đại diện cho cử tri 18 phường thuộc quận nêu lên một số kiến nghị, đề xuất xung quanh những vấn đề đang được nhiều người dân trên địa bàn quan tâm.
Trong đó, cử tri Đỗ Thị Hà (phường Đồng Nhân) cho hay, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khi TP đã được phân bổ 1 triệu liều vaccine, người dân rất mong TP sớm triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng đến nhiều đối tượng Nhân dân; đồng thời mong được biết phương án phân bổ vaccine của TP đợt này, các đối tượng nào được ưu tiên?
Cùng đó, cử tri tiếp tục phản ánh trên 80% dân số tại phường đang sống tại 12 khu tập thể (KTT) cũ đã được xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước, như KTT Dược phẩm T.Ư II (phố Lê Gia Định), đến nay đã quá xuống cấp nghiêm trọng, bất cứ lúc nào cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người dân do trần vữa rơi xuống, trần bê tông nứt, gây dột… “Việc này đã phản ánh rất nhiều lần tới các ban ngành chức năng mà đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị các đại biểu HĐND TP quan tâm để TP sớm có cơ chế chính sách phù hợp, kế hoạch, phương án tổ chức đầu tư xây dựng cải tạo các chung cư trên địa bàn phường, tạo điều kiện cho Nhân dân có cuộc sống tốt hơn” - bà Đỗ Thị Hà bày tỏ.
Cùng bức xúc này, ông Vũ Đình Long (phường Quỳnh Mai) cho biết, cử tri đã nhiều lần kiến nghị TP sớm cho sửa chữa cải tạo các chung cư cũ xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt UBND TP đã công bố các đơn vị đảm nhiệm công tác này, song tại KTT Quỳnh Mai có nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp rất nghiêm trọng như E1, E7, A, D… vẫn chưa được đơn vị nào thực hiện. Do đó, cử tri tiếp tục đề nghị TP đưa các chung cư này vào kế hoạch cải tạo xây dựng lại trong thời gian sớm nhất.
Tương tự, cử tri Lê Văn Hưu (phường Thanh Nhàn) cũng kiến nghị TP sớm tổ chức cải tạo xây dựng lại nhà tập thể B1 Trại Găng, vì chung cư này đã được xây từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay đã hư hỏng nặng hầu hết hệ thống, như tắc bể phốt, trần nhà và hành lang tầng 2 mấy năm trước đã bị rơi xuống… Trong khi đến nay, vẫn còn 50% hộ dân sống ở đây, hầu hết là dân nghèo nên rất khó khăn trong cải tạo sửa chữa. Do đó, cử tri mong đại biểu HĐND TP quan tâm báo cáo các cơ quan chức năng TP sớm có giải pháp cải tạo khu nhà này, đảm bảo đời sống và tính mạng người dân.
 Cử tri Đỗ Thị Hà nêu ý kiến tại điểm cầu phường Đồng Nhân
Đồng thời, cử tri phường Thanh Nhàn tiếp tục phản ánh dự án xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô có nhiều hộ dân phường nằm trong khu vực quy hoạch GPMB, đã kéo dài rất lâu. Đất do ông cha để lại nhưng không được cấp sổ đỏ, chuyển nhượng, không được cấp phép xây dựng, không được đầu tư hạ tầng…, khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Dù UBND quận đã rất quan tâm vấn đề này nhưng đến nay người dân vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, cử tri mong mỏi từng ngày dự án được xem xét tổng thể và điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Đến từ phường Bạch Đằng, cử tri Nguyễn Văn Dương - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT số 8 phản ánh, công tác quản lý đất đai trên địa bàn phường nhất là khu vực bờ vở sông Hồng rất phức tạp, người dân muốn cải tạo nhà cửa rất khó khăn..., nên rất mong được biết nhiều thông tin về dự án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của TP (Bộ NN&PTNT đã đồng ý trình Chính phủ phê duyệt), trong đó người dân sẽ được hưởng lợi gì, tiến độ triển khai cụ thể thế nào?
Cải tạo xây dựng lại chung cư cũ: Không bỏ sót, bỏ lọt khu vực nào 
Thay mặt tổ đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn trả lời cụ thể các kiến nghị của cử tri quận Hai Bà Trưng.
Trong đó, về kiến nghị TP sớm tiêm phòng vaccine Covid-19 diện rộng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: TP đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho người dân toàn TP theo chủ trương của Chính phủ; xác định chiến lược chống dịch "5K+vaccine" là giải pháp căn cơ trong phòng chống dịch và thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch diễn biến vô cùng phức tạp. Do đó, kế hoạch tiêm vaccine của TP dự kiến trong thời gian đồng bộ với chiến lược kế hoạch tiêm vaccine của Chính phủ, với độ tuổi tiêm từ 18 - 65, tùy chủng loại vaccine sẽ mở rộng cho đối tượng sau này là trên 65 và dưới 18 tuổi. Theo đó, TP dự kiến sẽ có 5,2 triệu người dân trong độ tuổi này được tiêm, chiếm 7% dân số, đồng thời tiêm bao phủ hết 70% dân số này với mỗi người 2 mũi tiêm, sẽ đạt miễn dịch chủ động trong cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, TP đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực, quy mô Quỹ vaccine của TP phải đạt gần 2.000 tỷ đồng và chuẩn bị xã hội hóa các nguồn lực (giao 30 quận/huyện/thị xã thực hiện).
"Tiềm lực có, nhưng vấn đề là phải có nguồn cung cấp vaccine, nên Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương trong đó có Hà Nội đang tìm mọi nguồn đưa vaccine về Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cần được tập trung cho các khu vực cao độ phải phòng chống dịch, như thời gian qua Bắc Gang, Bắc Ninh, thời điểm này là TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam đang rất căng thẳng. Tại Hà Nội cũng phải ưu tiên những khu vực tuyến đầu đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch" - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, từ đầu năm đến nay TP đã tổ chức tiêm trên 210.000 mũi cho trên 200.000 người, mới chiếm 2,4% dân số, trong khi kế hoạch TP là phải đạt hơn 70%, trong đó phục vụ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các đối tượng ưu tiên. TP sẽ có phương án tập dượt tiêm khi có mật độ cao vaccine về, với 200.000 người được tiêm mỗi ngày, dự kiến sẽ tập trung cao việc tiêm vào tháng 8, 9, 10/2021, đồng thời cuối năm 2021 Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine - đó là những dấu hiệu rất tốt giúp triển khai tiêm trên diện rộng. Hiện nay có 1 triệu liều vaccine vẫn phải phân bố theo hệ thống cho các tuyến đầu của các tỉnh, thành, tuyến đầu phòng chống dịch…
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thay mặt tổ đại biểu HĐND TP trả lời ý kiến của cử tri quận Hai Bà Trưng
Đặc biệt, trước mong muốn của nhiều cử tri về sớm đẩy nhanh cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 69-NĐ/CP ngày 15/7/2021 thay thế Nghị định 101-NĐ/CP ngày 20/10/2015 về cải tạo xây dựng lại chung cư cũ - bước tiến vượt bậc góp phần giải quyết khó khăn, tạo ra nguồn lực về cơ chế chính sách trong công tác này. Hà Nội có quỹ nhà chung cư cũ lớn nhất toàn quốc với hơn 2.000 chung cư cũ chia làm 3 cấp độ, trong đó hơn 1.500 chung cư nằm trong các khu chung cư cũ, còn lại là chung cư độc lập đơn lẻ. Trong đó quận Hai Bà Trưng có 308 nhà chung cư cũ thuộc 2 nhóm này, với 96 chung cư độc lập đơn lẻ, tập trung ở các phường Quỳnh Mai, Quỳnh Lôi, Thanh Nhàn, Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa… 
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và đã lập Đề án cơ chế chính sách cải tạo xây dựng lại chung cư cũ của TP, đồng bộ với Nghị định 69 vừa ban hành. Theo đó, TP thiết lập phương pháp tiếp cận đồng bộ toàn diện để hình thành cơ chế chính sách giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhóm chung cư cũ, thời gian tới để triển khai Nghị định 69 và Đề án này, sẽ hình thành 3 kế hoạch: Thứ nhất, kế hoạch kiểm định tổng thể toàn diện về kỹ thuật mang tính hệ thống để xác định rõ mức độ xuống cấp của từng khu chung cư. Trong đó, theo Nghị định mới này sẽ cho phép sử dụng ngân sách trong hệ thống đầu tư công cho các loại khu vực chung cư, không bỏ sót. Từ đó, dẫn đến thứ hai là kế hoạch quy hoạch, theo Nghị định 69 và Đề án của TP là Nhà nước đứng ra làm quy hoạch để thực hiện trách nhiệm của mình và hài hòa lợi ích 3 nhà “Nhà nước - nhà dân - nhà đầu tư”. Trên cơ sở 2 kế hoạch đó, TP sẽ thiết lập một kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, đồng bộ với kế hoạch cải tạo nhà ở toàn TP, sẽ hoàn chỉnh trong năm 2022.
"Theo đó, tất cả chung cư cũ tại quận Hai Bà Trưng như ở Trại Găng (phường Thanh Nhàn), KTT Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai)… đều được nằm trong kế hoạch này, không bị bỏ rơi hay bỏ quên để ngày càng xuống cấp. Với các nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng, trong giai đoạn chưa được cải tạo lại, UBND TP đang nghiên cứu giao UBND quận/huyện trực tiếp xem xét xử lý các vấn đề kỹ thuật trong điều kiện bảo trì bảo dưỡng; về lâu dài sẽ được cải tạo xây dựng lại" - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.