Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết toàn TP. Hội An hiện có 1.107 căn nhà cổ, trong đó có 66 căn đang trong tình trạng xuống cấp, 40 căn trong tình trạng chống đỡ, 17 căn xuống cấp nhẹ, 9 căn hư hỏng nặng buộc phải di dời khẩn cấp khi có mưa bão.
Trong số nhà cổ xuống cấp, hư hỏng, người dân đã chủ động sửa chữa được 51 căn, 6 căn nhà khác là do Trung tâm hỗ trợ để sửa chữa (vì điều kiện gia đình khó khăn).
9 di tích trong khu phố cổ buộc phải di dời cục bộ khi có mưa bão là những nhà bị mục nát, không còn khả năng chống đỡ, bao gồm các nhà số: 12/11, 26, 42A đường Bạch Đằng; 47/2 đường Phan Châu Trinh; 07, 77, 120 đường Trần Phú; 65 đường Nguyễn Thị Minh Khai và 60 đường Phan Bội Châu.
Các ngôi nhà này đã được chằng chống qua nhiều năm và có thể sụp bất cứ lúc nào. Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng lập biên bản đề nghị các chủ sở hữu tạm dừng các hoạt động kinh doanh, tiến hành di dời và di dời cục bộ trước mùa mưa bão năm nay để bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Tại TP Hội An trong 15 năm qua, đã có hơn 200 di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng đã có hơn 2.000 lượt nhân dân, chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ.
Để bảo vệ di sản, mỗi năm chính quyền và nhân dân phố cổ Hội An đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, chằng chống, gia cố nhà cửa…; Thành phố cũng đã khuyến cáo các chủ nhà cổ xuống cấp chủ động chằng chống bảo vệ di tích và chuẩn bị phương án di dời khi có bão lũ xảy ra.
Tình hình bão lũ ở miền Trung khiến các di tích tại Hội An xuống cấp nhanh chóng.
|