Phố đi bộ nét văn hóa của Hà thành
Đồ án Tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm vào năm 2016. Với mục đích, xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội; Đồng thời tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, tinh hoa ẩm thực khu vực Hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu mở rộng sang khu vực phố cổ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.
Để thực hiện đồ án này, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan đô thị; cải tạo hạ tầng kỹ thuật, mặt đường, vỉa hè; hạ tầng thông tin; tạo không gian cây xanh; cải thiện chất lượng nước Hồ Hoàn Kiếm.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ, vui chơi, giải trí, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí các bãi đỗ xe, gửi xe hợp lý; đảm bảo ổn định sinh hoạt của nhân dân và các hộ kinh doanh trong tuyến phố đi bộ.
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang dấu ấn riêng của Thủ đô. |
Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS Trần Ngọc Chính cho biết, Việt Nam có rất nhiều phố đi bộ, nhưng phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm có những nét đặc trưng riêng. Trước hết, đây là không gian sinh hoạt cộng đồng cho tất cả các lứa tuổi; bên cạnh đó nó lại được bố trí ngay cùng với quần thể di tích văn hóa phố cổ Hà Nội, gắn với rất nhiều điểm du lịch, danh thắng, như: Đền Ngọc Sơn, Công viên Lý Thái Tổ, Nhà hát lớn – Quảng trường Cách mạng Tháng tám, Bảo tàng phụ nữ, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát múa rối Thăng Long…
“Các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí của phố đi bộ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, không chỉ có những hoạt động đặc sắc của các dân tộc Việt Nam mà còn nhiều hoạt động văn hóa mang bản sắc của các quốc gia trên thế giới cũng được lồng ghép vào các hoạt động ở nơi đây, đã mang đến sự đa dạng, đặc sắc và cũng là nét riêng biệt mà chỉ riêng Hà Nội mới có. Chính vì vậy, sau khi xét thêm các tiêu chí phụ, Hội đồng giải thưởng đã quyết định chấm điểm cao nhất cho đồ án này” - KTS Trần Ngọc Chính nói.
Vì Hà Nội “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”
Đề án trồng 1 triệu cây xanh Hà Nội, do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện, là một trong những công trình đạt thứ hạng cao tại giải lần này. Theo đó tại Thể loại D: về Quản lý phát triển đô thị, đề án này đã đạt giải Danh hiệu xuất sắc.
Đề án trồng 1 triệu cây xanh Hà Nội, do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khởi xướng vào năm 2016, với mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, TP sẽ trồng mới thêm 1 triệu cây xanh. Nhưng thực tế, đến hết năm 2018, chương trình này đã về đích sớm trước 2 năm so với dự kiến. Trong đó, nhiều cây có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái của đô thị Hà Nội như các cây: Sang, Hoa Ban, Chà Là, Cọ dầu... Hiện nay, TP đang tiếp tục thực hiện trồng thêm 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019 - 2020.
Đánh giá về việc đề án trồng mới 1 triệu cây xanh được thứ hạng cao tại Lễ trao giải lần này, thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh - Chuyên gia về quy hoạch đô thị (là người được nhận giải cá nhân trong thiết kế đồ án phát triển công viên phần mềm) cho biết, đề án này được khởi xướng với mục đích xây dựng một Hà Nội “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” trong thời điểm đô thị hóa ngày càng diễn ra sâu rộng, ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
“Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và thiết thực của chỉnh quyền TP Hà Nội, ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, mang lại môi trường sống trong lành hơn cho người dân; hệ thống cây xanh còn làm tăng thẩm mỹ cho các thiết kế đô thị của Thủ đô” - ông Trần Tuấn Anh nói.