Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Hứa hẹn sẽ hút khách

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm mưa to khiến không gian đi bộ Trịnh Công Sơn những ngày đầu khai trương vắng khách. Còn rất nhiều hoạt động dịch vụ đi kèm cần phải điều chỉnh để có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng bộ tại khu vực sát Hồ Tây của người dân Hà Nội và du khách nước ngoài.

 Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Hết nhạc phố vắng người
Tối 11/5, không gian văn hóa nghệ thuật ẩm thực quận Tây Hồ, nằm trong tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn chính thức khai trương. Cảnh quan xung quanh tuyến phố so với thời điểm dự định khai trương (tháng 10/2017) đã có nhiều thay đổi. Đường rặng nhãn đã được trải thảm nhựa, những đoạn bích họa về cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được hình thành.
Những gian hàng ẩm thực không còn là cái lô cốt cố định, đặt bên vệ đường, che tầm nhìn của dãy nhà dân mà chuyển thành các quầy hàng đẩy xe di động, đặt ở khu vực đường rặng nhãn. Chỉ còn 3 gian hàng mang dáng kiến trúc nhà cổ Hội An và Hà Nội đặt đầu đường Trịnh Công Sơn để phục vụ mục đích trưng bày giới thiệu làng nghề, phố nghề, văn hóa đặc trưng của Tây Hồ và Hà Nội. Quảng trường lớn, hồ phun nước cũng được chỉnh trang sạch đẹp để dành không gian dạo bộ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật văn hóa dân gian như ca trù, hát xẩm, múa rối nước Đào Thục…

Thế nhưng, theo thị Hoàng Lan (quận Cầu Giấy): “Dạo quanh không gian con phố kéo dài hơn 1km, tôi vẫn cảm thấy dịch vụ phụ trợ rất nghèo nàn. 90 quầy hàng ẩm thực được bày san sát không có chỗ cho du khách ngồi thưởng thức, đàm đạo về ẩm thực”. Trừ đêm khai trương, hàng nghìn người đội mưa một phần ngắm phố đi bộ mới, một phần để được thưởng thức các tiết mục âm nhạc hát về Hà Nội và nhạc Trịnh, của các ca sĩ có tiếng như: NSUT Thanh Lam, NSƯT Tấn Minh, Ngọc Anh, Sao Mai…; dứt nhạc hội, phố Trịnh Công Sơn lại trở nên vắng vẻ.
 Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Chưa mặn mà mở dịch vụ

Từ 6 giờ ngày 12/5, xe cộ lại được chỉ lối lưu thông đường khác để dành cho không gian đi bộ, nhưng chẳng có mấy du khách đến thưởng ngoạn. Ban ngày, các quầy hàng ẩm thực được phủ bạt, không bán. 17 giờ ngày 12/5, nhiều quầy ẩm thực bắt đầu mở cửa, lại vội vã thu dọn vì mưa giông. Bên cạnh đó, các hộ gia đình sống trên mặt phố Trịnh Công Sơn chưa mặn mà kinh doanh dịch vụ phục vụ cho khách đi bộ; cả dãy phố chỉ 2 - 3 quán cà phê, còn lại các mô hình kinh doanh như hàng cắt tóc, gội đầu, trung tâm ngoại ngữ… vẫn được giữ nguyên như trước. Đến tối, toàn bộ các cửa hàng đóng cửa tắt đèn. Hoạt động văn hóa văn nghệ chỉ diễn ra vào ban tối, nhưng cũng còn nghèo nàn.
“Trong không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, mọi du khách muốn gì đều có. Người lớn có thể uống cà phê, trà đá hay nghe nhạc dân tộc ở khu nhà Bát Giác, tượng đài vua Lê; trẻ con có thể đi bộ rồi ghé xem múa rối; chơi các trò chơi dân gian: Nhảy bao bố, kéo co, ô ăn quan, nặn tò he…” – chị Hoàng Lan so sánh về sự khác biệt của 2 phố đi bộ ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng thừa nhận, vì mới đi vào hoạt động nên các loại hình tổ chức trong không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa phong phú. Quận sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân và du khách để điều chỉnh trong các giai đoạn tiếp theo của đề án.

3 tháng sau sẽ đông khách?

Theo ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, điểm khác biệt của không gian đi bộ Trịnh Công Sơn so với tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đó là các gian hàng kinh doanh ẩm thực, với các mặt hàng không quầy hàng nào giống quầy hàng nào; từ xôi Phú Thượng, bánh tôm, bún ốc Hồ Tây đến các mặt hàng nước hoa quả, bánh đa kê, chè sen… Hơn nữa, để tạo không gian sinh hoạt giao thương cho 5.000 người đang sinh sống tại quận Tây Hồ, UBND quận quyết định trong thời gian tới sẽ chuyển khu chợ đồ Tây từ phố Xuân Diệu về không gian đi bộ đường Trịnh Công Sơn. “Hiện nay, chợ đồ Tây ở phố Xuân Diệu đang hoạt động rất tốt, nên tôi tin khi chuyển về khu phố Trịnh Công Sơn sẽ tăng thêm các hoạt động cho du khách nước ngoài” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Hơn nữa, lợi thế về không gian quảng trường, hồ nước, đặc biệt sau 3 tháng nữa hồ sen ngay bên cạnh đường rặng nhãn sẽ nở hoa đang hứa hẹn là điểm "check in" chụp hình của giới trẻ. Tuy nhiên, để không gian đi bộ Tây Hồ trở thành điểm nhấn của Hà Nội, mang đặc trưng riêng về không gian văn hóa nghệ thuật ẩm thực rõ ràng còn rất nhiều dịch vụ, hoạt động cần phải chỉnh sửa.
UBND quận Tây Hồ phối hợp các Sở, ngành có liên quan, thường xuyên khảo sát, lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân và du khách, tổ chức rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giai đoạn 1 để có cơ sở tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Đề án nhằm góp phần đưa không gian văn hóa nghệ thuật, ẩm thực tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn trở thành không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô, tạo diện mạo mới cho du lịch, xứng đáng là điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý