Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia: Thời tiết không còn theo qui luật của khí hậu

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bất thường của thời tiết trong thời gian qua đã khiến người dân khá lo lắng. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, thời tiết ngày càng biến động không còn theo qui luật khí hậu.

 TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Thưa ông, trong 2 ngày 2 và 3/3 vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Sơn La... đã xảy ra mưa đá kèm dông lốc dữ dội trên diện rộng. Trước đó đêm 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán cũng đã xảy ra hiện tượng này ở khắp các tỉnh phía Bắc. Liệu đây có phải là sự bất thường của thời tiết khi đang là mùa Xuân?
- Đợt mưa dông kèm mưa đá đêm 30, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (tức 24 - 25/1/2020) và đợt mưa dông kèm mưa đá ngày 2 và 3/3 có nguyên nhân giống nhau. Đều do sự tác động của phần phía trước của không khí lạnh đang dịch chuyển về phía nước ta, nó tranh chấp với khối không khí nóng ẩm đang tồn tại ở Bắc Bộ kết hợp thêm với đới gió mạnh (dòng xiết) trên độ cao khoảng 5.000m.
Trước 2 đợt mưa đá này, ở Bắc Bộ đều là những ngày có thời tiết ấm và nồm ẩm, nhiệt độ cao 28 - 29 độ C, độ ẩm 90 - 95%. Đây là điều kiện khiến cho tương tác giữa 2 khối không khí lạnh ở phía Bắc và khối không khí nóng ở phía Nam diễn ra mạnh mẽ, tạo mưa dông mạnh và kèm theo mưa đá.
Đợt mưa đá ngày 24 - 25/1 có thể coi là xảy ra sớm so với mọi năm, còn đợt ngày 2 - 3/3 thì không sớm và không có gì bất thường. Tuy nhiên, có thể xem đây là dấu hiệu và biểu hiện của việc thiên tai diễn ra ngày càng nhiều; thời tiết càng ngày càng biến động theo chiều hướng xấu, các cực trị ngày càng xuất hiện nhiều, không còn theo quy luật khí hậu, đòi hỏi công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó phải liên tục và chủ động.
Nhiều bậc cao niên cho biết, hiện tượng mưa đá vào những thời điểm nói trên phải hơn 40 năm nay họ mới được chứng kiến. Có người cho rằng, theo kinh nghiệm dân gian, dự báo đây sẽ là năm nhiều thiên tai dịch họa. Ông có thể cho biết quan điểm về nhận định này?
- Chúng tôi tôn trọng những kinh nghiệm dân gian, có tham khảo trong dự báo nhưng phương pháp này không có độ tin cậy vì mang tính chủ quan, phụ thuộc “trí nhớ” mỗi người.
Về dự báo thiên tai năm 2020, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia đã có thông tin chi tiết trên website của Trung tâm. Chúng tôi cho rằng, cả 2 đợt mưa đá, mưa lớn diện rộng này đều có nguyên nhân và hình thế thời tiết là giống nhau ở mức một chín, một mười. Nó đều là các hiện tượng thời tiết cực đoan ít thấy. Trận mưa dông lớn ở Hà Nội vào chiều 3/3 cũng vậy...
Ông có thể cho biết về dự báo thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới, đồng thời đưa ra những cảnh báo giúp người dân cũng như chính quyền để phòng chống rủi ro do thiên tai gây ra?
- Về dự báo xa, từ nay đến hết tháng 3 còn khoảng 2 - 3 đợt không khí lạnh và sang tháng 4 có khoảng 1 - 2 đợt không khí lạnh nữa, nhưng cường độ và ngắn và không có khả năng gây rét đậm.
Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn lưu ý đó là các đợt không khí lạnh xuống nước ta trong giai đoạn giao mùa tháng 3, tháng 4 và tháng 5 thường hay gây ra mưa dông kèm theo các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
Đồng thời, tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của không khí lạnh trong những tháng đầu năm 2020 và gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 7 - 8 ở các vùng biển phía Nam Biển Đông.
Cùng với đó nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để cập nhật thông tin mới nhất, kịp thời có những chuẩn bị để phòng chống rủi ro do thiên tai gây ra.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần