Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phở Hà Nội được vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Quyết định nêu rõ, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Tri thức dân gian Phở Hà Nội - Thành phố Hà Nội.

Phở gà Hà Nội. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phở gà Hà Nội. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Điều 1 Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Theo nhiều sử liệu ghi chép lại món “Phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Thuở ban đầu Phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910. Về nguồn gốc ra đời của món “Phở” đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau với 03 giả thuyết phổ biến: Phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; Phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Hoa; Phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.

Lịch sử của hình thành và phát triển của món Phở gắn với với lịch sử thăng trầm của Thủ đô, ký ức của nhiều người Hà Nội. Phở đã nương theo những biến động lịch sử trong nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phát triển rất sôi động với tốc độ nhanh và mở rộng địa bàn, trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội. Đằng sau mỗi quán phở lại có một câu chuyện lịch sử riêng tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn ẩm thực và con người Hà Nội.

Quy trình chế biến và thưởng thức Phở chứa đựng tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Giai đoạn mới hình thành, Phở xuất phát từ món ăn dân dã hàng ngày, từ món quà vặt rồi đến nay xuất hiện khắp các con đường, ngõ phố ở Hà Nội đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Người Hà Nội vốn sành ăn, sành mặc, thanh lịch, tao nhã trong lối sống nên quá trình hình thành Phở Hà Nội vì thế cũng ảnh hưởng theo phong cách đó. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương ninh, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai, nước Phở màu trong, bánh Phở mỏng và mềm, được trang trí bằng các cọng hành, rau thơm bắt mắt phản ánh cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội.

Qua việc kết hợp các loại nguyên liệu, gia vị mang tính bình, hàn trong chế biến Phở đã thể hiện ý thức của con người về việc tạo nên sự cân bằng giữa con người và điều kiện môi trường tự nhiên.

Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vươn tầm ẩm thực thế giới. Phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm Phở của người Việt Nam nói chung, Phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới.