Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố Phùng Hưng hồi sinh nhờ bích họa

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phố Phùng Hưng những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất không còn tình trạng rác thải bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh. 19 bức vẽ trong dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” gợi nhớ một phần ký ức Hà Nội đã hoàn thiện, làm hồi sinh con phố vốn là một phần không thể thiếu của khu phố cổ Hà Nội.

Diện mạo mới
Cuối tuần qua, con đường bích họa trên phố Phùng Hưng chính thức khai mạc, kết nối với không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Chứng kiến vẻ đổi thay của con phố, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Chị Nguyễn Thị Huyền - một người dân sống tại phố Phùng Hưng cho biết: “Trước đây, nhiều người dân lợi dụng lấn chiếm khu vực này để kinh doanh, nên rất nhếch nhác. Khi dự án khai trương con phố như được hồi sinh”. Con đường không chỉ khiến người dân sinh sống quanh phố Phùng Hưng hào hứng, mà du khách gần xa cũng tìm đến để chụp ảnh “tự sướng”. “Đọc báo thấy thông tin phố bích họa Phùng Hưng đã khánh thành, mình liền đến đây để “mục sở thị”. Ngắm nhìn những bức bích họa có thể thấy ngoài giá trị nghệ thuật, các tác phẩm còn giúp giới trẻ khởi dậy ý thức gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống đang mai một” – bạn Cao Thủy (Cầu Giấy) chia sẻ.
 Phố bích họa Phùng Hưng thu hút khách tham quan, tản bộ. Ảnh: Phạm Hùng.
“Bích họa trên phố Phùng Hưng” còn thu hút sự chú ý từ phía các nhà ngoại giao. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk rất xúc động khi ngắm những hình ảnh xưa cũ của Hà Nội do các họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc thực hiện. Nhờ dự án này mà khu vực phố Phùng Hưng được cải tạo, đem lại cảm giác về Thủ đô thân thiện. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam Maria Jesus Figa Lopez-Palop cho rằng dự án này làm tăng vẻ thẩm mỹ của Hà Nội.
Thí điểm rồi nhân rộng
“Bích họa trên phố Phùng Hưng” ra đời từ chủ trương của UBND TP Hà Nội phát huy giá trị các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên, thuộc khu phố cổ Hà Nội. UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án tổng thể nghiên cứu và phát huy giá trị các vòm cầu chia thành nhiều giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1, quận phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) và Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) thực hiện việc vẽ bích họa với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Hàn Quốc. Những bức bích họa vẽ lên một Hà Nội xưa cũ với ông đồ già bên “mực Tàu giấy đỏ”, gánh hàng hoa trên phố. Bức bích họa cũng có thể là căn nhà của Hà Nội “một thời lưu luyến”, với mảng tường vàng, ô cửa xanh. Một mảng màu khác lại mô tả một đoạn phố Hà Nội bình dị, nơi có những chiếc xích lô,  hay có bức gợi tiếng leng keng của tàu điện... Những bức bích họa đen trắng tạo cảm giác hoài niệm về những thứ đã đổi thay theo thời gian. Phố Hàng Mã được phác họa đặc sắc với sự đan xen giữa đồ chơi truyền thống và hiện đại. Chia sẻ về ý tưởng này, họa sĩ Lê Văn Linh cho biết: “Tôi muốn tái hiện lại một khu phố bày bán đồ Trung thu xưa của Hà Nội. Bên cạnh đó cái xưa cũ, mình lồng ghép những mặt hàng đồ chơi đang chiếm lĩnh thị trường trên phố Hàng Mã để mọi người cảm nhận được sự khác biệt giữa xưa và nay”.
 Họa sĩ thực hiện những bức tranh trên phố Phùng Hưng. Ảnh: Công Hùng.
Thực tế trước khi triển khai dự án trang trí phố Phùng Hưng bằng những bích họa, một số khu phố của Thủ đô đã thử nghiệm thể hiện hình thức này một cách tự phát như ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ), ngõ Ao Dài (phường Tôn Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm), khu tập thể Hội Phụ nữ T.Ư (đường Pháo đài Láng, Đống Đa)... mở ra hướng mới trong tạo dựng cảnh quan đô thị.
Ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Bích họa trên phố Phùng Hưng là dự án thí điểm đưa nghệ thuật công cộng vào cuộc sống nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội, đồng thời tạo không gian công cộng mới cho Nhân dân, du khách. Thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với KF quảng bá, tổ chức và duy trì các hoạt động để nâng cao giá trị không gian văn hóa nghệ thuật trên tuyến phố Phùng Hưng, đồng thời, nghiên cứu định hướng tổng thể toàn tuyến 131 vòm và không gian kề cận của hai bên mặt tuyến vòm nhằm phát huy giá trị di sản vòm đường sắt đô thị Nam cầu Long Biên”.