Theo báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ninh, 16h ngày 17/7 các chủ tàu thuyền còn đang trên biển đã khẩn trương về nơi tránh trú an toàn và đóng cảng không cấp phép thăm quan, nghỉ lưu trú trên Vịnh, cấm mọi hoạt động trên biển từ 18h ngày 17/7. Tập trung công tác bảo vệ các tuyến đê bao, đặc biệt là đê bao tại các xã đảo Hà Nam, chuẩn bị phương tiện, vật tư để gia cố các tuyến đê xung yếu trong trường hợp sự cố xảy ra.
Chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát và kiên quyết di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn. Kiểm tra hướng dẫn việc chằng chéo tàu thuyền khi đã vào nơi neo đậu đản bảo chắc chắn, nghiêm cấm không để người ở trên tàu khi bão đổ bộ; triển khai việc tháo nước đệm ở vũng trũng và các hồ đập. Đối với các huyện miền núi, các khu đô thị, các khai trường khoáng sản đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt nam, Tổng công ty Đông Bắc triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường than. Tổ chức di chuyển toàn bộ người dân trên hơn 7.600 lồng bè nuôi trồng thủy sản và các nhà bè dịch vụ trên Vịnh Hạ Long về nơi trú ẩn an toàn; di chuyển 97 hộ dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Tại TP Móng Cái, 18 hộ dân tại xã Hải Đông và 10 hộ dân xã Bắc Sơn ở vùng có nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn; hơn 500 hộ dân tại khu Xuân Ninh, xã Hải Xuân có nguy cơ ngập cũng đã có phương án di dời. TP Móng Cái đã di dời toàn bộ 102 lồng, bè nuôi trồng thủy sản vào nơi chằng chống an toàn; cấm đò hoạt động trên sông Bắc Luân, Ka Long và yêu cầu hơn 1.300 chiếc đò phải neo đậu an toàn.
Đánh giá về công tác phòng chống bão của Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tại đầu cầu Móng Cái cho biết: “Đến giờ này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác phòng chống bão như neo đậu thuyền vào nơi an toàn, gia cố các lồng bè, bến bãi. Đặc biệt, công tác di dời dân ra khỏi các nhà yếu, nhà cấp 4, nhất là các vùng ven biển. Chúng ta phải vận động người dân di dời khỏi những nơi này. Không chỉ các vùng ven biển mà các các huyện miền Tây tỉnh Quảng Ninh cũng phải lưu ý vấn đề này”.
Cuộc họp đã nghe báo cáo nhanh của các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên là những địa phương lân cận thành phố Móng Cái sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 về công tác di dời các hộ dân ra khỏi các nhà cấp 4, nhà yếu có nguy cơ sập đổ. Tại huyện đảo Cô Tô, ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, Huyện đã kêu gọi 680 tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Bố trí tàu cao tốc tăng cường đưa khách du lịch vào đất liền. Đồng thời, bảo đảm sự an toàn và nơi ở cho gần 100 khách du lịch chưa có nhu cầu về đất liền.
Tại cuộc họp, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã báo cáo về việc phối hợp phòng chống bão số 2. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực phòng chống bão của tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành liên quan.
Phó Thủ tướng chỉ đạo những việc cần làm ngay: “Tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phổ biến thông tin đến người dân, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân. Dùng mọi biện pháp để thông tin, liên lạc. Tiếp tục rà soát lại các khu dân cư, đảm bảo người dân được sơ tán hết. Bảo đảm lực lượng xung kích trực cho đến lúc cơn bão tan, chuẩn bị các biện pháp để kịp thời ứng cứu. Đảm bảo công tác an toàn với người dân, đặc biệt là về an toàn về điện, đảm bảo cắt điện kịp thời”.
Sau cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp ra TP Móng Cái - tâm bão - để chỉ đạo việc phòng chống cơn bão số 2 tại tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Quảng Ninh
|