Kinhtedothi - Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab và được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014 (WEF Davos 2014) tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ, từ ngày 23-24/1.
Tham gia Đoàn có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
Tham dự Hội nghị năm nay có gần 3.000 đại biểu, đáng chú ý, có khoảng 40 vị đứng đầu chính phủ tham dự WEF Davos 2014, trong đó có Thủ tướng Australia Tony Abbot - Chủ tịch G20 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Enrico Letta, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Didier Burkhalter…và lãnh đạo các tổ chức quốc tế gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurría, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Giám đốc điều hành Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde…
WEF Davos 2014 là hội nghị thường niên lần thứ 44 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức. Hội nghị có chủ đề “Tái định hình thế giới: các hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh.”
Theo thông lệ, một trong những mảng nội dung quan trọng và được chú ý nhất tại Hội nghị là đánh giá, dự báo tình hình và các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, các khu vực và các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2014. Đồng thời, trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra hơn 250 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung chính gồm: Kiến tạo những giá trị và mô hình kinh doanh mới thích nghi với sự biến đổi của khoa học-công nghệ; Định hình quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững; định hình quá trình chuyển đổi xã hội; định hình quá trình chuyển đổi trên toàn cầu hướng tới một thế giới 7 tỷ dân.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm tìm hiểu các xu thế phát triển của kinh tế thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới đang chú trọng tới các xu hướng phát triển mới sau khủng hoảng toàn cầu; đồng thời thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về các vấn đề quan tâm như tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập và liên kết khu vực, phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về chính sách, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chuẩn bị hình thành vào năm 2015, nội dung về ASEAN là một trong những ưu tiên tham gia của đoàn Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham gia làm diễn giả tại Phiên thảo luận “Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á,” trong đó, phát biểu nhấn mạnh vai trò hạt nhân của khu vực ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực, đồng thời đề xuất một số nội dung các nước ASEAN cần quan tâm triển khai như bảo đảm nội lực của khối; xác định lộ trình liên kết và kết nối phù hợp sau năm 2015; cùng với các đối tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho liên kết và hội nhập, trong đó bao gồm bảo đảm môi trường an ninh và hợp tác, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Kể từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” của WEF. Sự tham gia của Việt Nam được WEF đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của sáng kiến này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên họp “Thiết lập chương trình Nghị sự toàn cầu cho chuyển đổi nông nghiệp” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, khẳng định cam kết của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam qua hình thức đối tác công-tư.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng tham gia phần thảo luận của phiên họp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” thông qua hình thức đối tác công-tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Với những thành tựu ấn tượng của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người dân và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Phó Thủ tướng đã tham gia phát biểu tại Phiên họp “Vai trò trung tâm của y tế trong xã hội, kinh doanh và nền kinh tế,” chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về vai trò của y tế đối với phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách phát triển ngành y tế và những thách thức đặt ra đối với ngành y tế tại các nước đang phát triển trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng tham gia chia sẻ ý kiến tại phiên họp giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới về chủ đề “Tái định hình thế giới - xác định các yêu cầu trong năm 2014."
Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với các chính khách và doanh nghiệp như Phó Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Schneider Ammann, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, Đại diện Thương mại Mỹ Froman, Hoàng tử Anh Andrew, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Giám đốc điều hành WEF Phillip Rosler, Chủ tịch Tập đoàn UPS…
Một số doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của WEF như FPT, VinaCapital đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ WEF Davos 2014./.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Đại diện cấp cao về Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton. (Nguồn: TTXVN)
|