Khó khăn bủa vây sản xuất, tiêu thụ nông sản
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp từ đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm.
Chia sẻ về khó khăn hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, giá phân bón tăng cao đang là một trong những trở ngại lớn. Ông Thư kiến nghị cần tiếp tục rà soát lại chuỗi sản xuất, cung ứng, nhập khẩu, logistics đến cách sử dụng phân bón của người dân để hướng tới giảm giá phân bón ở mức phù hợp. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành đề nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đề xuất có cổng thông tin về nông sản kết nối với các đối tác nước ngoài.
Một số ý kiến từ DN, hiệp hội phản ánh các khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc, khi hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu nông sản của phía Trung Quốc áp dụng từ 1/1/2022 có thể sẽ tác động đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động lớn đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, khu vực Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị các thương nhân, DN chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân. Đồng tình với ý kiến Thứ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh các địa phương chủ động thì giải quyết được vấn đề, nếu không, DN vẫn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Địa phương vùng xanh khẩn trương phục hồi sản xuất
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành hoan nghênh nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch và đạt những kết quả quan trọng. Qua đó, từng bước ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì trong điều kiện phù hợp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.
Khẳng định mục tiêu khống chế dịch bệnh là quan trọng nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ cùng những khó khăn của DN do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Nếu không có giải pháp thích hợp, không sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kéo dài tình trạng giãn cách thì sẽ rất khó khăn, không chỉ đối với chủ DN mà ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động, nông dân” - Phó Thủ tướng cảnh báo.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. “Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có địa phương, có thời điểm đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc” - Phó Thủ tướng nói.
Nhất trí với các ý kiến cho rằng vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành Trung ương… làm việc cụ thể với DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm phục hồi sản xuất.
“Công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh thì địa phương cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể, như trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Nếu ở vùng xanh thì các đồng chí cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường” - Phó Thủ tướng nêu giải pháp.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, DN trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác thì Bộ Giao thông vận tải vẫn phải chịu trách nhiệm.